Ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện ý nghĩa này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".
Trong bản Di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo”. Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Bác từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, người phụ nữ Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Thời xưa có Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân… Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc có những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những nữ chiến sỹ cộng sản kiên trung như: nữ tướng Nguyễn Thị Định, bà Nguyễn Thị Minh Khai, bà Võ Thị Sáu…
Trong thời đại của cuộc cách mạng số 4.0 hiện nay, những phẩm chất truyền thống cao quý ấy kết hợp với vẻ năng động, sáng tạo, tự tin của người phụ nữ hiện đại càng được khẳng định và phát huy mạnh mẽ. Hiện nay, ở Việt Nam phụ nữ chiếm trên 50% dân số và lực lượng lao động xã hội. Nhận thức được vai trò to lớn của phụ nữ đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, Chỉ thị, Nghị quyết thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ đạt được sự tiến bộ và bình đẳng trong gia đình và xã hội, xem vấn đề "Bình đẳng giới" trở thành mục tiêu của sự phát triển xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam đã từng bước phấn đấu, trưởng thành về mọi mặt, vai trò, địa vị người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định. Bằng chứng là, có rất nhiều các bà, các cô, các chị giữ vị trí lãnh đạo cấp cao trong Đảng, Nhà nước ta, là những nhà ngoại giao giỏi, chuyên gia xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, điển hình như bà Nguyễn Thị Bình, bà Trương Mỹ Hoa, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Tòng Thị Phóng… và hiện nay bà Võ Thị Ánh Xuân là một người con của mảnh đất miền Tây, hiện là Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Trải qua 92 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh, tổ chức thành công 13 kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc và đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Qua các thời kỳ lịch sử, các nhiệm kỳ Đại hội luôn gắn liền với các sự kiện trọng đại của đất nước và mỗi nhiệm kỳ đều có dấu ấn đặc trưng riêng. Các thế hệ phụ nữ Việt Nam trưởng thành từ Hội ngày càng phát huy năng lực, trí tuệ, tài năng góp phần quan trọng vào lợi ích chung của cộng đồng, của toàn xã hội. Nhiều gương phụ nữ điển hình tiêu biểu với những đóng góp trong nhiều lĩnh vực, phụ nữ hai tốt “giỏi việc nước, đảm việc nhà” được Đảng, Nhà nước biểu dương, khen thưởng. Không chỉ khẳng định vị thế của mình ngoài xã hội, người phụ nữ Việt Nam hiện đại không ngừng học hỏi, rèn luyện và luôn chu toàn công việc gia đình, mãi là hậu phương vững chắc của người đàn ông, góp phần giữ ngọn lửa yêu thương cho mái ấm gia đình.
Đối với ngành Kiểm sát nhân dân và cụ thể là tại Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thành phố Cần Thơ - Cơ quan có tỷ lệ nữ khá cao: hai cấp là 113 nữ trên tổng số 228 công chức, người lao động (tỷ lệ 49,6%). Trong đó, một đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố và 24 đồng chí là lãnh đạo các phòng, Viện kiểm sát quận, huyện. Có thể thấy được đóng góp quan trọng của nữ công chức, người lao động đối với ngành Kiểm sát nói chung và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ nói riêng.
Mặc khác, do tính chất đặc thù của ngành Kiểm sát, nhiều công việc có tính áp lực cao, khá vất vả như: đi khám nhiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kiểm sát các cơ sở giam giữ,…Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện thì bản thân từng đồng chí nữ đã phải nỗ lực, cố gắng để vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt công việc được giao cũng như vừa làm trọn bổn phận người phụ nữ trong gia đình; góp phần cùng với gia đình xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu, đẹp.
Một lần nữa có thể khẳng định, người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, dù làm trong bất cứ lĩnh vực nào và trên cương vị nào, cũng đều xứng đáng là những người phụ nữ được Bác Hồ khen tặng tám chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Và phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới với những phẩm chất cao quý: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, chính phụ nữ là nhân tố tiên quyết làm nên Ngày 20/10 lịch sử.