Chúng ta đang sống trong những ngày tháng 5 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật của Bác Hồ kính yêu với cảm xúc bồi hồi khó tả. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Kể từ ngày đó đông đảo đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế biết đến Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam và biết đến ngày 19/5 là sinh nhật của Bác. Và cũng từ đó, vào những dịp sinh nhật Bác, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế lại gửi tới Người những bó hoa tươi thắm và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Năm 1946 là năm kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ lần đầu tiên. Sáng 19/5/1946, tại Bắc bộ Phủ, các đại biểu thiếu nhi thủ đô, tự vệ, hướng đạo và hơn 50 đại biểu Nam bộ đã đến chúc mừng sinh nhật Bác. Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”.
Cũng chính ngày này, lực lượng thanh niên Thủ đô đã tuần hành thị uy chúc thọ Bác Hồ. Việc đó làm cho các đại biểu Đồng minh thấy rõ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời phát biểu đáp lại lòng kính mến của đồng bào, Bác nói: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào đó biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào. Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cường thịnh hơn. Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”.
Cũng trong ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số đoàn thể đến chúc mừng sinh nhật Người. Khi nghe giới thiệu có Ủy ban đời sống mới đến chúc thọ, Bác liền hỏi các đại biểu của Ủy ban:
- Đời sống mới là ai?- Chú cho tôi biết cuộc vận động đời sống mới đến đâu rồi?
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thay mặt đoàn thưa với Bác: Chúng tôi đã bắt đầu bằng sự chia ra các ban nghiên cứu, tổ chức … Nhưng công việc chính là định rõ cái hướng cho đời sống mới. Mấy khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính” chúng tôi xét ra vừa không đủ, vừa cổ…- Cổ! Lạ quá, thế cơm các cụ ăn ngày xưa, bây giờ ăn cũng cổ à?- Bác tranh luận.
Không khí buổi chúc mừng sinh nhật Bác trở nên náo nhiệt, vui vẻ.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng liền thưa: Ủy ban vận động đời sống mới đã định rõ ba nguyên tắc cho đời sống mới là: Dân tộc, dân chủ, khoa học. Bác liền nói:
– Hay lắm, nhưng mình phải xem đồng bào bây giờ cần gì? Dân quê đã mấy người hiểu được thế nào là dân chủ, khoa học? Tôi hỏi chú, chú đi vận động đời sống mới thì chú làm gì trước?
Mọi người nhìn nhau, bối rối trước câu hỏi của Bác. Bác liền lấy tay vỗ vào bụng và nói:
– Trước hết là cái này. Dân chúng cần cái này trước hết, phải ăn đã, chú không ăn gì thì chú đi tuyên truyền được không? mà muốn ăn thì phải làm gì? phải làm việc phải siêng năng, thế là “cần” đấy.
Bác cũng nhắc nhở: Muốn cho cuộc vận động được thực hiện được đến nơi đến chốn và có kết quả thì khẩu hiệu phải thiết thực, người đi vận động quần chúng phải làm gương .
Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp lại âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại căn cứ địa Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Chặng đường trường kỳ kháng chiến đã ghi dấu chân của Bác qua Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên… hoà cùng với những khó khăn vất vả và sự hy sinh của đồng bào, đồng chí trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Những dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc vô cùng đơn giản nhưng đầm ấm và đầy ý nghĩa, với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí và những bó hoa rừng của những người phục vụ.
Sinh nhật năm 1948 là kỷ niệm sinh nhật không bao giờ quên đối với Bác. Trước sinh nhật Bác vài ngày, đồng chí Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Ty) – người phục vụ nấu ăn cho Bác nhưng cũng là người đồng chí, người bạn thân thiết đã cùng Bác hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc rồi sau đó theo Bác trở về nước tham gia hoạt động cách mạng – vừa mới qua đời bởi căn bệnh sốt rét ác tính. Vì vậy, kỷ niệm sinh nhật Bác diễn ra lặng lẽ.
Sáng sớm ngày 19/5/1948, các đồng chí phục vụ đã mang một bó hoa rừng đến chúc mừng sinh nhật Bác, chúc Bác mạnh khoẻ sống lâu. Nhận bó hoa rừng và những lời chúc mừng của các đồng chí phục vụ, Bác rất xúc động rơm rớm nước mắt:
– Bác cảm ơn các chú. Bác đề nghị dành bó hoa này cùng đến viếng mộ đồng chí Lộc.
Thế là lễ mừng sinh nhật của Bác Hồ năm ấy, Bác đã dành để nói chuyện về một tấm gương trung thành với Đảng, suốt đời làm việc cho Đảng, không tính toán cá nhân, đòi hỏi địa vị.
Sinh nhật luôn là khoảng thời gian thật ý nghĩa, mỗi chúng ta mong muốn được nhận nhiều lời chúc, món quà, muốn dành thời gian ấy cho chính mình. Nhưng qua câu chuyện trên có thể thấy với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khác, thậm chí Người còn viện cớ đi công tác để tránh gặp mặt những đơn vị đến chúc mừng trong ngày đặc biệt này. Trong dịp sinh nhật của mình, Bác Hồ luôn muốn dành thời gian cho thật nhiều đối tượng khác nhau, từ những người dân bình thường đến người yếu thế. Trong đó, đối tượng nhận được sự quan tâm nhiều nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày sinh nhật của Người chính là các em nhỏ. Bác không mong muốn phải hao phí tiền bạc của đất nước vì ngày sinh nhật của mình, mà thay vào đó mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân tùy vào chức năng, nhiệm vụ của mình cần có những hoạt động cụ thể thiết thực hướng đến phục vụ lợi ích của nhân dân, đất nước.
Tháng 5 năm nay, cũng là tháng có nhiều niềm vui chung của toàn Đảng, toàn dân với quyết tâm cao xây dựng đất nước ngày càng phát triển và vững mạnh. Bên cạnh các hoạt động chung hướng đến kỉ niệm 132 năm ngày sinh của Bác, Chi bộ Viện kiểm sát huyện Vĩnh Thạnh đã phát động nhiều hoạt động ý nghĩa như: vận động toàn đơn vị và mạnh thường quân phối hợp cùng Hội phụ nữ huyện nhận đỡ đầu 01 trường hợp trẻ em bị mồ côi cả cha và mẹ do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19, tổ chức sinh hoạt chuyên đề tháng 5 chủ đề hướng đến sinh nhật Bác với các nội dung nghe kể các câu chuyện về sinh nhật Bác, thực hiện nghiêm việc ghi sổ Nhật ký của Bác, vận động cán bộ công chức đơn vị tham gia hiến máu nhân đạo, thực hiện tốt và lập thành tích hưởng ứng các phong trào thi đua ngắn hạn như: “ Thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội hàng năm và kế hoạch 05 năm (2021- 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; “Ngành kiểm sát nhân dân thi đua rèn luyện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh – Chính trực- Khách quan- Thận trọng – Khiêm tốn” gắn với phong trào thi đua Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở”và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, gắn với phong trào cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”… Đó đều là các họat động đã được đơn vị quan tâm, tuyên truyền và tổ chức thực hiện, qua đợt sinh hoạt cũng là dịp để đảng viên thúc đẩy thêm tinh thần học hỏi, nêu gương Bác trong cuộc sống thông qua các hoạt động an sinh, tình nguyện vì cộng đồng. Những việc làm, hình ảnh ấy là minh chứng rõ nét nhất, hiện thực hóa bằng hành động của cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị dâng lên Người nhân kỷ niệm 132 năm sinh nhật Bác./.