* Thực trạng và những vấn đề đặt ra tại Chi bộ Viện kiểm sát
Trong thời gian qua, tại các cuộc họp nói chung và các cuộc họp kiểm điểm xoay vòng và kiểm điểm cuối năm, tất cả đảng viên trong Chi bộ đều tham gia phát biểu ý kiến, việc phát biểu ý kiến đi vào trọng tâm, ngắn gọn, nêu được những mặt mạnh, mặt yếu của từng đảng viên. Đảng viên được góp ý tiếp thu và kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Tuy vậy qua các cuộc họp nhận thấy, lúc đầu đảng viên trong chi bộ cũng tích cực góp ý nhưng “sự thật thường hay mất lòng”, đảng viên được góp ý thường có biểu hiện không hài lòng khi bị góp ý về những yếu kém, lại rất vui khi được khen. Từ đó những ý kiến góp ý chân thành dần dần ít đi, không ai muốn góp ý tồn tại, hạn chế, chỉ nói những lời khen hoặc “ thống nhất với bản tự kiểm điểm, không có ý kiến gì thêm”, nhiều đảng viên “ngại nói hoặc không thèm nói” .
Đảng viên trong quá trình làm việc không ai là không tránh khỏi những sai sót, khuyết điểm nhưng bởi ai cũng muốn làm đẹp lòng nhau nên khi nhận xét về đồng chí mình phần lớn đều chọn phương án im lặng để tránh va chạm. Do không đảng viên nào có ý kiến nên buộc đồng chí Bí thư chủ trì cuộc họp phải chỉ định từng đảng viên góp ý cho đảng viên tự phê bình.
Tình trạng chung là những cuộc họp thường im lặng một lúc rồi nhất trí như báo cáo, như bản tự phê bình đã đánh giá. Nếu có phát biểu thì cũng chỉ là nhắc lại vài vấn đề trong báo cáo, tự phê bình đã nêu, hoặc tôn vinh thêm thành tích; ít khi mổ xẻ vấn đề, càng hiếm việc chất vấn, phê bình... Từ chỗ trong sinh hoạt chỉ im lặng, không thẳng thắn đấu tranh, góp ý cho nhau, tất yếu dẫn đến việc khi ra khỏi cuộc họp còn nhiều ý kiến trái chiều, không đồng thuận...
* Phải làm gì để khắc phục tình trạng trên?
Quán triệt và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đại hội IV đến Đại hội XI của Đảng, trong nghị quyết của mỗi nhiệm kỳ đều nhấn mạnh đến việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả tự phê bình và phê bình để không ngừng xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong tình hình mới. Cùng với những thành tựu đạt được hết sức quan trọng, Đảng ta cũng thừa nhận vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội XI nhấn mạnh: “Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội... Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu... Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI tiếp tục chỉ rõ những vấn đề cấp bách, cần giải quyết ngay bởi nếu không giải quyết sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một trong những vấn đề “nóng”, cấp bách là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân,... của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chẳng những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp hơn. Biểu hiện cụ thể của vấn đề trên là cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng; không trung thực, không thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm lệch lạc, sai trái. “Tình hình trên đây có nguyên nhân khách quan... Nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan: Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát...”. Nghị quyết một lần nữa khẳng định giải pháp đầu tiên là nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, mà trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng là khâu mấu chốt nhất, nhưng cũng có nhiều khó khăn nhất. Bởi vì, nó đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình. Nếu không hết lòng vì sự nghiệp chung, không có dũng khí, không thật sự cầu thị thì không dám nói hết khuyết điểm của mình và không dám phê bình người khác, nhất là phê bình cấp trên. Thái độ nể nang, hữu khuynh “im lặng là vàng”, hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình”. Và, Tổng Bí thư yêu cầu: quá trình kiểm điểm phải thực sự nghiêm túc, không làm lướt, làm qua loa, chiếu lệ, cần đưa tự phê bình và phê bình thành nề nếp trong sinh hoạt của Đảng.
Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Để cuộc họp kiểm điểm xoay vòng, cuối năm đạt thực chất cao, chi bộ có giải pháp phù hợp, trong đó cần đổi mới bầu cử trong Đảng, ai có tài, có đức, có năng lực sẽ được bầu làm Bí thư. Bên cạnh đó, Chi ủy, Bí thư chi bộ phải có sự khơi gợi, khuyến khích cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tham gia góp ý. Trong sinh hoạt Đảng, cần mở rộng dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến phản biện, cho dù ý kiến đó chưa trúng với ý của lãnh đạo. Đồng thời nên thường xuyên gần gũi, chia sẻ với đảng viên, quần chúng, từ đó sẽ nghe được những tâm tư tình cảm, nhất là của những người còn rụt rè, ngại phát biểu trước đám đông...Có như vậy, Đảng mới mạnh và nâng cao được năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và đảng viên.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tự phê bình và phê bình, cần phát huy dân chủ và tạo cơ chế cho đảng viên tích cực tham gia phát biểu ý kiến. Bên cạnh đó, sinh hoạt chi bộ nên đi sâu vào những nội dung mà đảng viên quan tâm, từ đó sẽ phát huy được tinh thần tham gia sôi nổi của đảng viên. Ngoài ra, Bí thư chi bộ phải hết sức cởi mở, gợi ý các vấn đề cho đảng viên tham gia phát biểu ý kiến.