Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc, là kim chỉ nam trong nhận thức và hành động của các cán bộ đảng viên dù ở bất cứ vị trí và lĩnh vực công tác nào. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những công tác quan trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên sẽ là biện pháp phòng ngừa và xử lý những vi phạm và góp phần phòng ngừa được bệnh quan liêu, mệnh lệnh, gây ra những tác hại cho sự nghiệp cách mạng.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng:“Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. Với quan điểm trên ta có thể hiểu rằng hoạt động thanh tra không những giúp lãnh đạo quản lý cơ quan, đơn vị thấy được kết quả và mức độ thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước; mà còn giúp cho việc xem xét, đánh giá những chủ trương, chính sách và pháp luật đã đề ra có đúng và có sát thực tiễn hay không. Ngoài ra từ những kết quả của thanh tra giúp lãnh đạo đơn vị kịp thời xem xét, điều chỉnh và có những biện pháp cụ thể thích hợp giúp cho công tác quản lý, chỉ đạo; điều hành của mình sát thực tiễn và có hiệu quả; đồng thời cũng là biện pháp để xây dựng, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, bộ máy và kiện toàn đội ngũ cán bộ, ngày một tốt hơn. Với cách tiếp cận như vậy cho thấy thanh tra chính là “cánh tay nối dài của trên”.
Qua thực tiễn, chúng ta thấy rằng nếu công tác thanh tra nói chung và thanh tra của từng ngành, từng đơn vị nói riêng đều thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ góp phần đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, đảm bảo việc thực hiện theo quy định của đảng, pháp luật của nhà nước .
Để công tác thanh tra thật sự có chất lượng, xứng đáng là bộ phận tham mưu chính xác, đắc lực cho Lãnh đạo thì công tác phát triển, đào tạo cán bộ làm công tác thanh tra cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng và chỉ rõ: Cán bộ thanh tra phải là những người thực sự có năng lực, kinh nghiệm và uy tín. Năng lực của người cán bộ thanh tra không chỉ tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ thanh tra, mà còn phải nắm vững nghiệp vụ thuộc ngành, nghề của cơ quan, đơn vị đang làm việc; đồng thời phải hiểu biết sâu sắc về các vấn đề xã hội, am hiểu luật pháp, giải quyết các mối quan hệ xã hội một cách minh bạch, công tâm theo đúng pháp luật và không trái với tập quán, đạo lý truyền thống của dân tộc.
Đảng ta luôn chú trọng về công tác kiểm tra, thanh tra nói chung, thanh tra trong từng ngành nói riêng. Ở giai đoạn hiện nay nước ta trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì việc không ngừng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ là yêu cầu mà mọi cán bộ thanh tra phải học tập, quán triệt. Với tư tưởng đề cao công tác thanh tra trong quản lý chỉ đaọ, điều hành có thể nói cán bộ thanh tra là “ Tai, mắt” của đảng và nhà nước. Đảng và nhà nước là những thực thể lãnh đạo quản lý, không thể tách rời với công tác thanh tra, và ngày càng phát huy vai trò của công tác kiểm tra, thanh tra.
Từ trước đến nay Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra, coi đó là một bộ phận rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng cũng như trong toàn bộ công tác lãnh đạo của Đảng. Tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra được thể hiện như là một bộ phận hợp thành của công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phục vụ thiết thực cho sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, và là một trong ba yếu tố quyết định sự thành công của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã ban hành.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thanh tra, ngành kiểm sát nhân dân đã thành lập công tác thanh tra trong ngành. Ngày 13 tháng 7 năm 1987 thanh tra viện kiểm sát nhân dân được thành lập tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ đó đến nay thanh tra ngành Kiểm sát không ngừng phát triển và hoàn thiện, hiện nay ngoài hệ thống cơ quan thanh tra Viện kiểm sát nhân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thì tất cả các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đều đã thành lập thanh tra.
Để công tác thanh tra trong ngành kiểm sát hoàn thành tốt nhiệm vụ và thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình thì công tác cán bộ thanh tra cần được chú trọng. Đối với người cán bộ làm công tác thanh tra phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để có quan điểm, tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, biết phân tích, xử lý mọi tình huống thực tế đúng với quan điểm, tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước và các quy định của Ngành.
Công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân bao gồm: Thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất và thanh tra thường xuyên, cụ thể công tác thanh tra gồm những hoạt động như thanh tra toàn diện, thanh tra nghiệp vụ, thanh tra hành chính, thanh tra kỷ luật nội vụ…. Với các hoạt động thanh tra nói trên, yêu cầu người cán bộ thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân phải có những kỹ năng chung về nghiệp vụ thanh tra, đồng thời phải có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về công tác kiểm sát, công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác tài chính kế toán… Chính vì vậy công tác này đòi hỏi sự nỗ lực học tập, phấn đấu của từng cán bộ thanh tra để đáp ứng kịp thời những yêu cầu cơ bản về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
Người cán bộ thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân phải có phong cách làm việc tốt, phải coi trọng và luôn ứng xử theo những tiêu chuẩn, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của người cán bộ Kiểm sát. Phong cách làm việc tốt của người cán bộ thanh tra trước hết là phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, thực hiện đầy đủ, quyền hạn, quy trình chuyên môn nghiệp vụ; khắc phục khó khăn, phức tạp để hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ thanh tra không được làm việc một cách chủ quan, hấp tấp, phải thật sự là tấm gương về nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của mình, có thái độ khách quan, trung thực và không ngừng nâng cao năng lực công tác.
Trong giai đoạn phát triển về khoa học công nghệ, để đáp ứng kịp thời nhu cầu công tác, cán bộ thanh tra trong ngành kiểm sát nhân dân không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải nâng cao về kiến thức vận dụng khoa học, công nghệ để áp dụng vào công tác chuyên môn.
Để công tác thanh tra trong Ngành kiểm sát nhân dân hoạt động hiệu quả và đúng quy định, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành nhiều quy chế, quy định nhằm định hướng tổ chức và hoạt động của thanh tra Viện kiểm sát nhân dân ngày hoàn thiện hơn. Ngày 15 tháng 5 năm 2019 Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân Tối Cao đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thanh tra Viện kiểm sát nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 129/QĐ-VKSTC ngày 15 tháng 5 năm 2019. Nội dung quy chế quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của thanh tra, quan hệ phối hợp và chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động của thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thanh tra trong Ngành kiểm sát nhân dân, Ban cán sự Đảng; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ luôn có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát đến công tác thanh tra của đơn vị. Đến giai đoạn hiện nay thanh tra Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã đi vào nề nếp, hoàn thiện về nhân sự, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ do Ngành và Viện trưởng phân công./.