Phong cách là thể hiện những cung cách, cách thức hành xử của một người hay một nhóm người, được thể hiện nhất quán trong lao động, học tập, sinh hoạt, tạo nên nét riêng của mỗi người, phân biệt người này với những người khác. Phong cách hình thành trên cơ sở những yếu tố về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tài năng, sở trường và khí chất của từng người…
Tác phong là sự thể hiện ra bên ngoài của phong cách, tạo thành lề lối làm việc, thói quen ứng xử, nề nếp sinh hoạt…
Phong cách Hồ Chí Minh cần hiểu cả hai hàm nghĩa về “phong cách” và “tác phong”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy”, và đi đến kết luận: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, người rất quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có xây dựng, rèn luyện phong cách công tác. Xây dựng phong cách làm việc của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên.
Trong các phong cách của Bác gồm: phong cách dân chủ, quần chúng; phong cách khoa học; phong cách nêu gương;
Theo Bác: Là người lãnh đạo giỏi thì phải khéo dùng người và sử dụng nhân tài. Xuất phát từ mục tiêu chung là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ những trí thức được đào tạo cơ bản từ các nước phương Tây, quan lại của Triều đình phong kiến cũ như: Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng…
Người xác định, việc phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc mà làm thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc mà họ phụ trách. Dùng người mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng. Người cho rằng: “Trong các ngành hoạt động của chúng ta… không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến… nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Bởi vậy, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, trong lúc còn bộn bề khó khăn “ thù trong, giặc ngoài” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tìm người tài để xây dựng đất nước và người chính là tấm gương sáng cho việc tìm nhân tài và trọng dụng nhân tài. Ngày 14/11/1945 trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều”, người chủ trương “tìm người tài đức”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết đất nước.
Về công tác cán bộ, Người luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của người cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Theo Người: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt, đó là người cán bộ đó phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó, đạo đức là gốc, Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Tại Hội nghị tổng kết công tác cán bộ toàn quốc năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đánh giá về công tác cán bộ nhìn chung có tiến bộ, có đổi mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số Bộ, Ban, Ngành và địa phương vẫn còn tư tưởng: “Hậu Duệ, Tiền tệ, Quan hệ, Đồ đệ, Trí tuệ” trong công tác cán bộ. Trí tuệ là tiêu chuẩn lựa chọn sau cùng là nguy hiểm cho công cuộc đổi mới của Đảng và sự phát triển của đất nước. Do vậy, Tổng bí thư yêu cầu các Bộ, Ban, Ngành và địa phương cần gạt bỏ tư tưởng trên trong công tác cán bộ; cần phải học tập về phong cách dùng người, trọng dụng người tài của Bác Hồ.
Đối với công tác cán bộ tại Viện KSND thành phố Cần Thơ trong thời gian qua đều thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và đúng theo quy định. Thông qua thi tuyển cũng như dân chủ bàn bạc trong Ban cán sự Đảng Viện KSND thành phố Cần Thơ.