Nếu vận dụng tốt tư tưởng đó của Người sẽ giúp sửa chữa hiệu quả những hạn chế, bất cập, như Văn kiện Đại hội XII đã chỉ ra: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”.
Học tập tư tưởng của Hồ Chủ tịch trong công tác cán bộ, trước hết cần phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá, sử dụng cán bộ, Ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và tại đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đã thực hiện công tác đánh giá, sử dụng cán bộ một cách linh hoạt, chủ động, cụ thể:
Một là, Bảo đảm đúng tiêu chuẩn. Theo quy định của Ngành Kiểm sát nhân dân, mỗi các bộ, Kiểm sát viên đề phải đáp ứng được những tiêu chuẩn theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Mỗi cán bộ phải luôn có tinh thần yêu nước, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước; cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; coi trọng cả đức và tài, đức là gốc. Mỗi cán bộ phải luôn nghi nhớ lời dạy của Bác với Ngành Kiểm sát nhân dân “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Ngoài các tiêu chuẩn chung, đối với cán bộ lãnh đạo còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể theo quy định của đảng và pháp luật của nhà nước.
Hai là, Đảm bảo khách quan, công bằng, tương xứng với yêu cầu công việc. Đòi hỏi việc lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của công việc, trình độ chuyên môn, năng lực của cán bộ và đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Cấp ủy chi bộ, Ban lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Thạnh phân công cán bộ, Kiểm sát viên phù hợp với năng lực của từng cá nhân, đảm bảo có thể thực hiện tốt nhất tất cả các khâu công tác của đơn vị như: Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; Kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, vụ án hành chính của Tòa án; Kiểm sát thi hành án dân sự, Thi hành án hình sự,….
\
Ba là, Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tạo điều kiện dân chủ, minh bạch trong lựa chọn cán bộ, đảm bảo cán bộ đúng tiêu chuẩn, có phẩm chất và năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được giao. Trong công tác đánh giá cán bộ, Cấp ủy chi bộ đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo điều kiện cho tất cả cán bộ, Đảng viên được nói lên quan điểm, ý kiến nhận xét của mình đối với đồng nghiệp, lãnh đạo, thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình trên cơ sở đoàn kết, giúp nhau cùng sửa chữa khuyết điểm, tiến bộ hơn trong công tác.
Bốn là, Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác cán bộ thực sự có tâm, có tầm và có tài. Căn cứ các quy định của Đảng, Pháp luật về quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đảng trong công tác đánh giá cán bộ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bố trí và sử dụng cán bộ. Rà soát, hoàn thiện và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc giám sát thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó. Xây dựng quy trình công tác cán bộ thật sự khoa học, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ, như: Phân công, phân cấp, thẩm quyền quản lý, quy trình bổ nhiệm... nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tổng thể, liên thông giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị và chấn chỉnh, khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt việc bố trí cán bộ, có chế tài quy trách nhiệm và xử lý những sai phạm đối với người có thẩm quyền trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ.
Cùng với đó, Lãnh đạo phải thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, uốn nắn những sai phạm, tránh hỏng việc, mất cán bộ; động viên, khen thưởng đối với những cán bộ tích cực, có thành tích tốt. Phải kiên quyết xử lý, thậm chí loại ra khỏi tổ chức những cán bộ coi thường kỷ cương hoặc sai phạm có tính hệ thống. Đi đôi với đấu tranh phê bình, phải có lòng yêu thương cán bộ, thường xuyên rà soát, bổ sung và tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách, quan tâm đến đời sống, hậu phương cán bộ.
Năm là, Đảm bảo lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức phải dựa trên quy hoạch cán bộ, công chức. Căn cứ trên khả năng, năng lực của cán bộ và qua đánh giá kết quả công tác hàng năm và theo hướng dẫn của Viện kiểm sát cấp trên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đã đảm bảo việc bố trí công tác phù hợp với từng cán bộ. Trên cơ sở đó, tiến hành thực hiện quy hoạch cán bộ nguồn, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn,.. để bổ sung vào quy hoạch cán bộ Lãnh đạo, quản lý. Tạo điều kiện để các cán bộ có mục tiêu phát triển bản thân cũng như tạo nguồn cán bộ trẻ, có tài, có đức phục vụ vào sự nghiệp cách mạng.
Đồng thời, Chi bộ cũng đã cụ thể hóa, quán triệt đến tất cả cán bộ, Đảng viên nội dung các nghị quyết của Đảng về công tác đánh giá, sử dụng cán bộ như Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng”, thực hiện chỉ thị số 05 về “đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh”. Nội dung các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng được Cấp ủy Chi bộ quán triệt, vận dụng vào công tác đánh giá, sử dụng cán bộ. Đảm bảo tạo điều kiện cho cán bộ tại đơn vị rèn đức, luyện tài, không có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không có các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Qua đó, đánh giá một cách khách quan nhất đối với mỗi cán bộ tại đơn vị để có sự bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý, đảm bảo công tác chuyên môn cũng như công tác Đảng, đoàn thể tại đơn vị đạt được kết quả tốt nhất.
Thực hiện tốt những vấn đề cơ bản trên là hành động thiết thực trong việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng “vừa hồng”, “vừa chuyên”, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.