Trong cuốn “Tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị năm 2018” của Ban Tuyên giáo Trung ương có nêu: Phong cách và tác phong là hai khái niệm thường đi đôi với nhau. Phong cách hàm nghĩa rộng hơn, thể hiện những cung cách, cách thức hành xử của một người hay một nhóm người, được thể hiện nhất quán trong lao động, học tập, sinh hoạt, tạo nên cái riêng của họ, phân biệt họ với những người khác. Phong cách hình thành trên cơ sở những yếu tố về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tài năng, sở trường, khí chất… Tác phong hàm nghĩa cụ thể hơn so với phong cách. Có thể hiểu tác phong là sự thể hiện ra bên ngoài của phong cách, tạo thành lề lối làm việc, thói quen ứng xử, nề nếp sinh hoạt...
Khi nói về “phong cách Hồ Chí Minh” với cả hai hàm nghĩa của “phong cách” và “tác phong”; sử dụng khái niệm “phong cách làm việc” và “phong cách lãnh đạo” để nói về phong cách, tác phong công tác thể hiện trong công việc và trong lãnh đạo, điều hành đất nước. Phong cách làm việc và phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn riêng của Người, gắn liền với tư tưởng, đạo đức, lối sống, mục đích sống của Người; vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực; thể hiện trong mọi lĩnh vực đời sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức, thẩm mỹ; là tấm gương sáng cho mọi người, mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo.
Từ các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2018 chúng ta có thể luận bàn về việc “xây dựng phong cách làm việc người cán bộ Kiểm sát theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” như sau:
Yêu cầu quan trọng đầu tiên trong phong cách làm việc của người cán bộ nói chung và người cán bộ Kiểm sát nói riêng, đó là không được xa rời quan điểm của Đảng, luôn thấm nhuần quan điểm của Đảng, lập trường giai cấp để xử lý vụ việc phát sinh đúng đắn hiện tượng và sự kiện của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ điều chủ chốt trong phong cách làm việc của cán bộ là phải: “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc”.
Công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp hiện nay diễn ra trong điều kiện có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Do đó, đòi hỏi mỗi cán bộ Kiểm sát cần phải đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra như: Bản lĩnh, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; phương pháp, tác phong làm việc khoa học; bám sát thực tiễn; có lòng say mê và tâm huyết với nghề nghiệp và phải không ngừng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn... Giữ vững nguyên tắc này giúp người cán bộ thể hiện đúng quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi đề xuất giải quyết các vụ việc được giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy rằng: bản thân cán bộ làm công tác phải thật sự là gương sáng về các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Từ đó, hình thành bản lĩnh chính trị, tư tưởng, sự kiên định vững vàng và đạo đức, lối sống để nâng cao tính đảng, tính chiến đấu và tính thuyết phục.