Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Bác Hồ luôn luôn coi trọng công tác giáo dục, với tư tưởng “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Câu nói thể hiện tư tưởng của Người về tầm quan trọng của giáo dục vì con người là trung tâm và là chủ thể của chiến lược phát triển đất nước nên cần phải “trồng người” tức là phải luôn biết chăm lo, giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp. Người nói “Ngủ thì ai cũng như lương thiện, tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền; Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.Ngày 05/9/1945,chỉ mới 03 ngày sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Người viết thư gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người nhấn mạnh “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác tiếp tục dặn dò “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang” “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng".
Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó.”
Đảng viên Chi bộ 3 VKSND thành phố Cần Thơ
rèn luyện “vừa hồng vừa chuyên”. Ảnh: Hồng Ngọc
Con người mà Bác mong muốn “Trồng” là người có lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, có lí tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức, ý chí tự cường dân tộc, có tri thức khoa học, kĩ năng lao động sản xuất… con người phải có đức có tài, Người quan niệm “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, trồng người là Đảng viên phải “vừa hồng, vừa chuyên”. Có như vậy thì dân tộc ta mới có sức mạnh tinh thần và thể chất để vượt bao khó khăn, gian khổ trong chinh phục thiên nhiên, đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, thích ứng về với thời đại, xã hội mới.
Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã và đang hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục, xem giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu. Năm 1982, vào ngày 28/9, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 167 lấy ngày 20/11 hàng năm làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”, để vinh danh người giáo viên.
Cùng với thời gian, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “trồng người” lúc sinh thời vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Học tập và làm theo Bác mỗi cán bộ kiểm sát cần trân quý tri thức của những người “thầy” đã dạy chúng ta từ lý luận đào tạo, đến kinh nghiệm thực tiễn. Mỗi cán bộ, đảng viên cần xây dựng ý thức đào tạo, tự đào tạo, nêu gương và chăm bồi thế hệ trẻ để sự nghiệp “trồng người” trong thời đại mới Việt Nam có được những cán bộ kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
Phạm Thị Hồng Ngọc
Chi bộ 3 VKSNDTPCT