Chủ tịch Hồ Chí Minh – nguồn internet
Bước sang năm 1967, Bác Hồ đã già và yếu đi nhiều. Nhưng ngày ba bữa, Bác vẫn tự mình từ nhà sàn, đi bộ đến nhà ăn. Một phần, không muốn phiền anh em phục vụ, phần nữa, Bác muốn đặt ra cho mình một kỷ luật, buộc mình phải vận động, rèn luyện, chống lại suy yếu của tuổi già.
Các đồng chí phục vụ Bác rất áy náy. Phần thương Bác vất vả, ngày nắng, còn ngày mưa; phần lo Bác già yếu, chẳng may vấp ngã, nếu có chuyện gì thì ảnh hưởng lớn đến công việc của đất nước và của Đảng.
Ngày đó, con đường quanh ao cá chưa được tôn tạo như hiện nay. Sau những trận mưa to, đường đi còn ngập nước. Nhưng đến giờ ăn, dù đang còn mưa, Bác vẫn xắn quần quá đầu gối, cầm ô, cùng đồng chí bảo vệ, lội nước đi sang nhà ăn. Nhìn ống chân Bác gầy gò, nổi gân xanh, anh em thương Bác, trào nước mắt, nhưng không sao thuyết phục được Bác cho phép dọn cơm bên nhà sàn.
Bác nói: Các chú muốn chỉ một người vất vả hay muốn cho nhiều người cũng phải vất vả vì Bác.
Có hôm, buổi sớm, Bác vào thay quần áo xong, đến bữa, gặp trời mưa, Bác không muốn các đồng chí phục vụ phải giặt nhiều, Bác cởi quần dài, gập lại, cắp nách, sang đến nơi mới mặc vào. Bác coi mình cũng chỉ là một người phục vụ và xem các đồng chí phục vụ cũng như mình nên không muốn làm phiền ai.
Tuy vậy, các đồng chí phục vụ Bác vẫn cố gắng tìm mọi cách để có thể thay đổi tình hình ấy.
Một hôm, Bác cho gọi chị Trần Thị Lý, người con gái miền Nam vào ăn cơm với Bác. Bác mời vào ngày Chủ nhật, nhưng hôm đó đồng chí Lý lại đi vắng thành ra hôm sau (3-7-1967) chị mới vào được. Hôm đó, trời mưa rất to. Đồng chí Vũ Kỳ cho dọn cơm ngay bên dưới nhà sàn để Bác ăn cùng chị Lý. Thương chị Lý thương tật, đau yếu, đường mưa trơn, đi lại khó khăn, lần đầu tiên, bữa đó Bác Hồ đồng ý ở lại ăn cơm dưới nhà sàn.
Hôm sau, các đồng chí phục vụ lại dọn cơm dưới nhà sàn, mời Bác ăn, coi như đã có một tiền lệ và không thỉnh thị Bác. Nhưng Bác đã cho gọi đồng chí Vũ Kỳ đến và phê bình: Các chú muốn để Bác hư thân đi có phải không?
Ý Bác đã rõ ràng. Bác muốn mỗi ngày ba bận, mỗi bữa ăn, đi vòng quanh hồ một lần, như một kỷ luật bắt buộc phải rèn luyện đối với mình.
Tuổi già, cũng như trẻ thơ, đều muốn được chiều chuộng. Bác biết: Nếu dễ dãi với mình và để cho người khác dễ dãi với mình, dần dần sẽ hư thân đi.
Không ai sinh ra đã thành lãnh tụ. Muốn trở thành vĩ nhân, phải có chí rèn luyện. Làm Chủ tịch nước rồi, trở thành lãnh tụ kính yêu của cả giai cấp và dân tộc rồi, Bác Hồ vẫn không ngừng rèn luyện. Vì vậy, ở vị trí càng cao, càng nổi tiếng, tinh hoa, phẩm chất, đạo đức của Bác càng sáng, càng trong.
Câu chuyện trên đã nói lên ý chí, nghị lực vượt khó phi thường của Bác Hồ, dù ở tuổi cao sức yếu nhưng người vẫn kiên trì luyện tập chống lại tuổi già và bệnh để có sức khỏe tốt phục vụ cách mạng, phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn thế nữa và nhiều hơn thế nữa.
Qua câu chuyện cho chúng ta bài học kinh nghiệm rằng: để có được đức tính cao quý giống như Bác thì chúng ta phải tự rèn luyện cho mình có lối sống giản dị, ân cần, gần gũi, biết thông cảm và luôn luôn tôn trọng, quan tâm đến mọi người, yêu thương mọi người, hãy vì mọi người chứ không nên để mọi người vì mình, việc gì làm được thì chúng ta hãy cố gắng tự mình làm, không nên làm phiền hà đến người khác.
Hơn nữa, trong cuộc sống của mỗi con người chúng ta thì tài sản quý giá nhất mà ai trong mỗi chúng ta cũng mong muốn có được chính là sức khỏe tốt. Để có được điều đó, chúng ta phải biết giữ gìn thân thể, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, siêng năng rèn luyện thể dục thể thao, tích cực tham gia học tập, lao động, sản xuất để đảm bảo ổn định đời sống bản thân, gia đình và góp phần ổn định cho xã hội./.
Sưu tầm, tổng hợp - Phan Thị Mộng Tuyền
Phòng 1- VKSND TP. Cần Thơ