Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí năm 2023 và Chương trình số 04/Ctr-VKSTC ngày 28/02/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023, Chi bộ 5 thuộc Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã triển khai thông qua sinh hoạt chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Trong cuốn Đường cách mệnh, phần mở đầu nói về tư cách của người cách mạng, Người viết: “Tự mình phải cần, kiệm”. Cần, kiệm phải là đức tính đầu tiên của người cách mạng, đối lập với nó là lãng phí. Người cho rằng, lãng phí là một căn bệnh, là tội lỗi với Đảng, với Nhà nước và Nhân dân. Sự lãng phí gây ra rất nhiều tác hại trước mắt và hậu quả lâu dài. Hồ Chí Minh còn coi tiết kiệm là biện pháp quan trọng để tích lũy vốn, để sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt trong điều kiện còn nhiều khó khăn, chỉ có đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, thì đất nước mới phát triển ổn định, nhân dân mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tiết kiệm (hay kiệm) được Hồ Chí Minh định nghĩa ngắn gọn: “Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Tiết kiệm rất rộng nhưng cơ bản gồm: tiết kiệm của cải vật chất, tiết kiệm thời gian và tiết kiệm sức lao động của nhân dân. Tiết kiệm phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, không phải một dân tộc nghèo mới tiết kiệm mà ngay cả các nước giàu cũng cần phải tiết kiệm. Tiết kiệm ngay cả trong thời chiến, cũng như trong thời bình.
Lãng phí được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, là tiêu dùng bữa bãi; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiến của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, gây mất lòng tin trong nhân dân, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Lãng phí tập trung vào 3 loại: lãng phí lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của của Nhân dân, đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”. Như vậy, đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí, xa xỉ, chống bệnh quan liêu ở một bộ phận cán bộ công chức, chống thói hội họp lu bù, chống việc làm ẩu, làm cho xong ra những sản phẩm không dùng được đó là lãng phí, chống việc liên hoan ăn uống không cần thiết trong mọi hoàn cảnh.
Vì vậy, để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng hiệu quả, Chi bộ 5 đã triển khai đến cán bộ, đảng viên thực hiện thông qua những việc cụ thể:
Một là, Tiết kiệm điện, nước trong cơ quan, đơn vị bằng việc tắt các thiết bị điện không cần thiết hoặc khi ra khỏi phòng, tắt các nguồn điện khi không sử dụng, khi hết giờ làm việc; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng. Sử dụng nước một cách hợp lý.
Hai là, Tiết kiệm trong sử dụng điện thoại: Điện thoại của cơ quan chỉ phục vụ cho công việc, chỉ sử dụng điện thoại công khi thực sự cần thiết, nội dung trao đổi phải bảo đảm ngắn gọn, tránh lãng phí, không sử dụng điện thoại tại công sở vào việc riêng, tận dụng những tiện ích miễn phí như Zalo, facebook,..để trao đổi công việc không thuộc nhóm bảo mật theo quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước nhằm giảm chi phí điện thoại.
Ba là, Tiết kiệm văn phòng phẩm: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt các phần mềm do Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định. Phát huy hiệu quả chữ ký số và phần mềm số hóa, quản lý văn bản, hộp thư công vụ.... thực hiện tốt việc gửi, nhận văn bản qua hộp thư điện tử công vụ, do đó tiết kiệm được nhiều kinh phí, hạn chế việc phô tô tài liệu, gửi văn bản qua đường bưu điện, đồng thời văn bản được xử lý nhanh chóng, kịp thời; Chú trọng thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm sự thuyết phục trong quá trình xét hỏi và tranh tụng giảm thiểu cho việc in ấn và lưu trữ hồ sơ.
Bốn là, Tiết kiệm xăng dầu: Việc đề xuất Lãnh đạo duyệt cho sử dụng xe ô tô cơ quan đúng mục đích và khi thật sự cần thiết, không sử dụng xe ô tô công vào việc riêng trái quy định.
Năm là, Tiết kiệm chi phí tổ chức hội họp: Thực hiện đúng quy định về chế độ thu chi Đảng phí, cán bộ, đảng viên không sử dụng rượu, bia để tiếp khách trong và ngoài giờ hành chính vào các ngày làm việc.
Sáu là, Tiết kiệm thời gian: Làm việc phải đến đúng giờ, không đến trễ, về sớm. Không sử dụng giờ hành chính vào công việc cá nhân như đăng tin bán hàng trên các trang mạng xã hội, xem phim, chơi game, …
Bảy là, Tiết kiệm nguồn nhân lực: Lãnh đạo phòng luôn quan tâm, nắm bắt được trình độ chuyên môn của từng cán bộ, công chức và người lao động để có sự phân công lao động hợp lý, phân công công việc đúng sở trường của từng người để phát huy tối ưu thế mạnh của mỗi cá nhân và làm nên tập thể vững mạnh, nâng cao hiệu quả công tác.
Qua sinh hoạt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” mỗi đảng viên, cán bộ, kiểm sát viên Chi bộ 5 sẽ tự soi lại bản thân mình, nâng cao hơn nữa ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần tạo được chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần, thái độ làm việc, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tệ nạn quan liêu để xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểm sát tận tụy, làm việc trách nhiệm, chuyên nghiệp, giao tiếp, ứng xử và có đạo đức lối sống chuẩn mực, lành mạnh gắn với việc xây dựng môi trường văn hóa công sở văn minh, thân thiện, liêm chính, trong sạch và vững mạnh./.
Lê Hồng Trang, Chi bộ 5
Đảng bộ VKSND TP Cần Thơ