Thực hiện Kế hoạch số 130-KH/CB ngày 22/12/2023 của Chi bộ Viện Kiểm sát nhân dân quận Bình Thủy (VKSND quận Bình Thủy) về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/QU ngày 12/12/2023 của Quận ủy Bình Thủy. Sáng ngày 18/4/2024, Chi bộ VKSND quận Bình Thủy tổ chức sinh hoạt chuyên đề đợt 2 năm 2024. Buổi sinh hoạt được tổ chức tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tọa lạc tại cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang bên dòng sông Hậu hiền hòa.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng, còn có bí danh Thoại Sơn, được mọi người gọi thân thương là Bác Tôn (sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 –mất ngày 30 tháng 3 năm 1980) là một nhà cách mạng, chính khách của Việt Nam. Bác là Chủ tịch nước cuối cùng của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ năm 1976 đến năm 1980, Bác là kế nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác trở thành Chủ tịch nước thứ 2 và cũng là Chủ tịch nước cuối cùng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Chủ tịch nước đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bác sinh ra trong một gia đình nông dân khá giả ở cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang; là con đầu của ông Tôn Văn Đề, và bà Nguyễn Thị Dị. Gia đình đông con, theo thông lệ miền Nam, Bác còn được gọi là Hai Thắng; thân phụ và thân mẫu đều là những người nông dân hiền lành, cần cù, chịu khó, chất phác.Năm 1906, sau khi tốt nghiệp Sơ cấp tiểu học Đông Dương (Certificat d'Etudes Primaires Complémentaires Indochinoises - CEPCI) tại Long Xuyên, Bác rời quê lên Sài Gòn học nghề thợ máy tại Trường Cơ khí Á Châu (L’école des Mécaniciens Asiatiques), dân gian thường gọi là Trường Bá Nghệ. Tốt nghiệp hạng ưu, Bác được nhận vào làm công nhân ở Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp tại Sài Gòn.
Trong những năm tháng kháng chiến, Bác Tôn luôn luôn coi Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, còn Bác Hồ trân trọng Bác Tôn như một người đồng chí, một người bạn chiến đấu thân thiết. Cả hai đã làm nên tình bạn với cùng chí hướng cách mạng, tương đồng trong quan niệm sống là hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, không đòi hỏi, không màng tới danh lợi cho bản thân, bình dị và mẫu mực. Trong lời chúc mừng Bác Tôn thọ 70 tuổi, Bác Hồ đã viết: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Nhân dịp tròn 70 tuổi, Bác Tôn được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và là người đầu tiên được tặng Huân chương này (1958). Bác cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lê-nin do Chính phủ Liên bang Xô viết trao tặng (1955).
Nhân dịp tròn 70 tuổi, Bác Tôn được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và
là người đầu tiên được tặng Huân chương- ảnh TL
Một trong những hoạt động cách mạng tiêu biểu đầu tiên của Bác Tôn là năm 1912, ông tham gia tổ chức công nhân bãi công đòi quyền lợi, vì vậy bị sa thải. Năm 1913, Bác sang Pháp làm công nhân ở Toulon (Pháp). Năm 1914, Bác được tuyển mộ làm lính thợ cho một đơn vị Hải quân Pháp, tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của Đế quốc Pháp vào nước Nga Xô Viết tại Hắc Hải (ngày 20 tháng 4 năm 1919), treo cờ đỏ trên một thiết giáp hạm của Pháp tại đây để ủng hộ Cách mạng Nga.
Năm 1920, Bác về nước, xây dựng cơ sở công hội (tiền thân của Công đoàn Việt Nam), vận động công nhân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1925, quyết tâm trì hoãn việc sửa chữa chiếc Đô đốc hạm Jules Michelet trong đoàn tàu chiến Pháp đang trên đường sang Trung Quốc.
Năm 1927, Bác tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, là Ủy viên Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn và Kỳ bộ Nam Kỳ, và được phân công trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Bác bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn (1928), cảnh sát thực dân Pháp gán cho Bác vào tội chủ mưu giết người trong vụ ám sát một người hợp tác với chính quyền thuộc địa Nam Kỳ tên là Phát do các đồng chí của Bác thực hiện, đường Barbier (nay là đường Thạch Thị Thanh). Nhờ có một đồng chí trẻ tự nhận là chủ mưu, cùng với sự vận động của một số nhân sĩ trí thức người Việt như bà Trần Thị Cừu, Đốc học Nguyễn Văn Bá, luật sư Trịnh Đình Thảo, nên Bác chỉ bị chính quyền thuộc địa tuyên án chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất kỳ cương vị nào, Bác Tôn đều thể hiện mình là một tấm gương sáng về chăm lo cho Nhân dân, phục vụ Nhân dân, Bác Tôn là một trong những nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh. Đã từng trải qua mọi thử thách - bị đế quốc Pháp bắt giam, đày đọa nơi ngục tù Côn Đảo với chế độ khổ sai, khi thì nhốt vào hầm xay lúa, khi thì nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, cùm kẹp, khi thì cho ăn lúa sống hoặc bỏ đói, bỏ khát... nhưng tinh thần, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuấttrước kẻ thù của Bác Tôn trước sau vẫn như một,với 15 năm bị đọa đày tại “địa ngục trần gian” này là thử thách lớn trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng. Trong những tháng ngày thử thách khốc liệt, Bác Tôn đã chứng tỏ được nghị lực phi thường của mình và sự trung thành vô hạn với Đảng, với cách mạng, với Nhân dân.
Cảnh đày đọa nơi ngục tù Côn Đảo với chế độ khổ sai, khi thì nhốt vào hầm xay lúa- ảnh TL
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn đã để lại cho thế hệ hôm nay nhiều bài học quý giá, trong đó có bài học hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Nghiên cứu, học tập tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Tôn, công chức, người lao động của VKSND quận Bình Thủy không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của mình, vận dụng vào quá trình công tác để phục vụ nhân dân.
Với chức năng, nhiệm vụ là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ở địa phương, công chức và người lao động của VKSND quận Bình Thủy khi thực hiện nhiệm vụ được phân công luôn ghi nhớ và thực hiện tốt việc “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” với mục đích cuối cùng hướng đến là phục vụ Nhân dân, thực hiện tốt các các quy định như khoản 2 Điều 8 của Hiến pháp năm 2013 “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân…”; Quy định về ứng xử và văn hóa công vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 457/QĐ-VKSTC ngày 26/12/2023) với tinh thần, thái độ, tác phong, lề lối làm việc “Trung thành với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ Nhân dân”. Đặc biệt, Kiểm sát viên của đơn vị luôn khắc sâu lời tuyên thệ của mình khi được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm sát viên là “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân”, để làm tôn chỉ hoạt động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.Ðây là các yếu tố tiền đề, nền tảng hình thành nên đạo đức của người cán bộ Kiểm sát và phải được thể hiện ở tất cả các lĩnh vực công tác, các hoạt động của đơn vị.
Khi thực hiện nhiệm vụ được giao luôn nêu cao tinh thần vì Nhân dân, thể hiện ở sự cẩn trọng, kỹ lưỡng, nghiên cứu hồ sơ, xem xét nội dung vụ việc (hình sự, dân sự) một cách toàn diện, tránh qua loa đại khái, cẩu thả làm thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ để tìm ra sự thật của vụ việc, tìm công bằng và chân lý. Đặc biệt, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là lĩnh vực tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân nên công chức, Kiểm sát viênluôn ứng xử có văn hóa, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Nhân dân, tận tình hướng dẫn giúp người khiếu nại, tố cáo hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không để xảy ra các tình trạng sách nhiễu, trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho Nhân dân.
Học tập và làm theo tấm gương Bác Tôn, một nhà lãnh đạo lỗi lạc và mẫu mực đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cách mạng, vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của Nhân dân, mỗi công chức và người lao động của VKSND quận Bình Thủy nhận thức được vị trí của mình là công bộc, là người đày tớ trung thành của Nhân dân nên ý thức được việc phải luôn tận tụy phục vụ Nhân dân, vì khi làm được như vậy, sẽ tạo được sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo thành trì vững chắc để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay./.
Nguyễn Tấn Cường
VKSND quận Bình Thủy