“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Đây là những câu thơ ngắn gọn và đầy ý nghĩa mà Bác Hồ đã răn dạy đến các thế hệ thanh niên. Cuộc đời Bác là một tấm gương sáng ngời về lòng kiên trì, sự nhẫn nại. Bác đã kiên trì con đường cứu nước dù gặp muôn vàng khó khăn, trở ngại và Bác đã từng bước lãnh đạo cách mạng Việt Nam giải phóng đất nước bằng thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng 8 lịch sử năm 1945.
Là cán bộ, đảng viên để học tập, làm theo Bác về sự kiên trì, nhẫn nại thì trước tiên cần đặt cho bản thân niềm tin và luôn cố gắng thực hiện. Thế nhưng lòng kiên trì và sự cố chấp là hai trạng thái hoàn toàn khác biệt nên cần được phân biệt rõ ràng và thực hiện. Bởi, khi kiên trì là phải thật sự nhẫn nại theo đuổi mục tiêu mà mình có thể đạt và ngược lại với việc cố chấp theo đuổi đến cùng những điều bất khả thi, vượt quá khả năng của bản thân.
Kiên trì là điều kiện cần, còn để đạt được kết quả cần phải có thêm điều kiện đủ. Có nghĩa rằng, kiên trì phải đi liền với sự hiểu biết, một hành động chỉ được thực hiện đúng cách mà còn đúng lúc thì mới có kết quả tốt đẹp. Khi con người có lòng kiên trì sẽ giúp bình tĩnh, nhìn nhận, đánh giá mọi việc một cách khách quan, không vội vàng, không nản chí khi gặp những khó khăn, do vậy, lòng kiên trì nhẫn nại là yếu tố cực kì cần thiết cho mỗi người để định hướng, theo đuổi mục tiêu, cố gắng nỗ lực, học tập, rèn luyện một ý chí vững vàng, để đối mặt với những khó khăn. Lòng kiên trì giúp ta tiến xa hơn mỗi ngày dù không nhận ra tức thì, giúp loại bỏ những vật cản, trở ngại, vươn tới tầm cao mới và từng bước khẳng định giá trị mình. Song song với sự kiên trì thì lòng nhẫn nại cũng không thể tách rời, lòng nhẫn nại là chìa khóa hữu ích trong công việc và cuộc sống của mỗi người.
Xin mượn câu tục ngữ đã được đúc kết và nhắn nhủ thế hệ sau này “Có công mài sắt, có ngày nên kim” để thay lời kết về học tập, làm theo Bác về sự kiên trì, nhẫn nại.
Lê Thị Kim Loan.
Chi bộ 3, Đảng bộ VKSND TP Cần Thơ