Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà tư tưởng vĩ đại - Kho báu phong phú, trí tuệ ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có hệ thống di sản tư tưởng về văn hóa. Hệ thống quan điểm về văn hóa của Người mang tính khoa học, có sự kết tinh, tổng hợp và chắt lọc những giá trị văn hóa phương Đông, phương Tây, văn hóa truyền thống, hiện đại nhưng vẫn mang nền tảng văn hóa của nước ta.
Trang bìa “Hồ Chí Minh nhân văn và phát triển” Nxb Chính trị quốc gia
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra khái quát về văn hóa như sau:“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.3, tr.458). Như vậy, theo Bác văn hóa là các hoạt động tinh thần và bao hàm cả hoạt động vật chất của con người nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn. Định nghĩa này của Bác có điểm độc đáo, riêng biệt là “Phương thức sử dụng các kết quả của sự sáng tạo”, bởi đây không chỉ là thước đo trình độ văn hóa của mỗi con người trong xã hội mà còn phản ánh sự rèn luyện, tư dưỡng và sự biểu đạt ra bên ngoài.
Sinh thời, Bác rất xem trọng tầm quan trọng của văn hóa nên sau đại thắng Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 03/9/1945, Bác nêu lên 06 nhiệm vụ cấp bách của nước ta với 02 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa diệt là “giặc đói và giặc dốt” với khẳng định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Bác tiếp tục khẳng định “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị”;“Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do” với chân lý “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” và “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa” (trích Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần I,1946).
Văn hóa theo nghĩa rộng theo lời Bác là trí tuệ do con người tích lũy được từ sự hiểu biết kết hợp với truyền thống đạo lý tốt đẹp đối với tất cả các mối quan hệ của con người trong xã hội xây dựng thành. Do vậy, văn hóa chính là chiều dài lịch sử được xây dựng từ nền tảng tinh thần trong xã hội, từ đó văn hóa giữ vai trò vô cùng quan trọng vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Theo Bác, văn hóa là động lực phát triển đất nước được quy tụ ở con người, tức là sự rèn luyện, tu dưỡng ở các phương diện sau:
- Về phương diện văn hóa chính trị: Văn hóa có ý nghĩa soi đường, lãnh đạo để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ.
- Về phương diện văn hóa kinh tế: Văn hóa có vai trò tác động tích cực đến nền kinh tế.
- Về phương diện văn hóa xã hội: Văn hóa đi liền sau giải phóng về chính trị, đưa Đảng Cộng sản Việt Nam lên địa vị cầm quyền.
- Về phương diện văn hóa văn nghệ: Văn hóa nâng cao lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
- Về phương diện văn hóa giáo dục: Văn hóa đưa con người tiếp cận các quy luật phát triển xã hội, đào tạo con người phù hợp với thời đại.
- Về phương diện văn hóa đạo đức lối sống: Văn hóa hướng con người hoàn thiện, nâng cao giá trị của bản thân.
- Văn hóa pháp luật: Văn hóa đảm bảo kỷ cương, kỷ luật.
Bác đề ra nhiệm vụ của văn hóa là “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, … văn hóa phải sửa được tham nhũng, được lười biếng, ... văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do... làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình” (trích Hồ Chí Minh: Về văn hoá, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, H.1997, tr.319-320).
Như vậy, văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn xây dựng là nền văn hóa có tính chất dân tộc, với gốc là từ dân tộc, mang tính dân tộc, “gắn liền với lao động, sản xuất, văn hóa xa đời sống, xa lao động là văn hóa suông” và phải phục vụ Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ.
Lê Thị Kim Loan
Chi bộ 3, Đảng bộ VKSND TP Cần Thơ