Bác Hồ - Vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc ta, Người là tượng trưng của tin hoa dân tộc ta, làm rạng danh non sông đất nước ta. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác đã trở thành di sản lớn lao, để lại bao điều tốt đẹp để học tập, noi theo, nhất là đức khiêm tốn, tính giản dị của Bác.
Là vị Chủ tịch nước của một quốc gia, thế mà nơi Bác sống, làm việc lại vô cùng bình dị, đơn sơ - Ngôi Nhà sàn - được thiết kế với kích thước: Dài 10,15m rộng 6,82m, có hai tầng, tầng trên cao 2,62m có hai phòng: mỗi phòng rộng 13,50m2 dùng làm phòng ngủ và phòng làm việc về mùa Đông. Tầng dưới cao thông thủy 2,20m là nơi Bác thường làm việc về mùa hè, nơi họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Bác đã sống, làm việc trong 11 năm cuối đời ở Ngôi Nhà sàn này và chỉ có những vật dụng rất đơn sơ: Một chiếc bàn, giá sách, tủ quần áo, giường gỗ cá nhân, tấm chăn đơn, chiếc chiếu cói, cây quạt cọ, chai nước lọc. Nếp sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tiết kiệm mà mang ý nghĩa rất cao đẹp.
Đức tính khiêm tốn cũng là một đức tính vô cùng nổi bật ở Bác. Là lãnh đạo của cả quốc gia nhưng Bác không bao giờ nhận mình là người lớn nhất mà Bác nhắc mỗi người phải tự nhận rõ mình, không phải làm cán bộ là ăn trên, không phải ở cương vị chỉ huy rồi sinh ra tính tự cao, tự đại, tự coi mình là trên hết rồi coi thường mọi người. Trong chuyện kể về Đạo làm tướng (trích trong quyển Những mẫu chuyện về tinh thần) đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh của TS.Yên Ngọc Trung), Bác hỏi: Bác đố các chú ai to nhất nước Việt Nam? Tất cả trả lời: “Bác ạ! Bác ạ!”. Bác bảo: “Ngồi xuống, các chú phong kiến quá. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ai là chủ đấy các chú? Dân chủ. Dân làm chủ cơ mà. Còn chúng ta là đầy tớ của nhân dân thôi!. Thế đấy, Bác của chúng ta luôn khiêm tốn với tất cả mọi người, đối với những người giúp việc thường xuyên bên mình, Bác thường gọi hết sức thân mật và trân trọng là cô, chú như những người trong gia đình.
Chi bộ 3 họp lệ tháng
Quan trọng hơn, Bác không chỉ thể hiện bằng lời nói mà luôn song hành với việc làm. Khi khiêm tốn là biết mình, không tự mình đề cao thái quá vai trò, chiến công của cá nhân mình, không khoe khoang và phải hiểu người, biết động viên quan tâm, hỗ trợ đồng chí, đồng đội cùng tiến bộ. Mà thật ra, lại chính sự khiêm nhường lại tạo được ấn tượng tốt đẹp trong mắt mọi người.
Đức khiêm tốn, tính giản dị của Bác mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ sau noi theo, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Là cán bộ, đảng viên cần phải thực hành và rèn luyện ở một số phương diện như sau:
- Thực hành và nêu gương về đức tính khiêm tốn, giản dị để các đồng chí, đồng nghiệp học tập, không hơn thua, so sánh công lao, thành tích, khi cần góp ý cho đồng chí, đồng đội cần có thái độ nhã nhặn, tế nhị, tôn trọng lẫn nhau.
- Tự nghiên cứu, tự đào tạo, nêu cao tinh thần học tập mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là học và làm theo về thái độ sống, về thái độ làm việc của Người.
Học tập, làm theo Bác đức khiêm tốn, tính khiêm nhường và tình yêu thương dân tộc bao la của Bác để xứng đáng là người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân. Cuối cùng, tác giả xin phép nhắc lại lời dạy thứ 5 của Bác mà ai trong chúng ta cũng nằm lòng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để thay cho lời kết “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” - 05 điều Bác Hồ dạy - Và khẳng định rằng lời dạy về đức khiêm tốn của Bác vẫn còn nguyên giá trị và còn mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.
Lê Thị Kim Loan
Chi bộ 3