* Nội dung mẩu chuyện:
Báo Cứu quốc số 69, ngày 17-10-1945 có đăng “Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”.
Bác viết: “Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ, và rất được lòng nhân dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề. Những lầm lỗi chính là:
1. Trái phép - Những kẻ Việt gian phản quốc, chứng cớ rõ ràng thì phải trừng trị đã đành, không ai trách được, nhưng cũng có lúc vì tư thù, tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán.
2. Cậy thế - Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng muốn sao được vậy, coi khinh dư luận không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.
3. Hủ hóa - Ăn uống cho ngon, mặt muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?
Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông uỷ viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên, cho đến các cô các cậu uỷ viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?
4. Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà cô bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì để ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.
5. Chia rẽ - Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các từng lớp nhân thương lẫn chau, hoà thuận với nhau...
6. Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng" lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”.
Bác cho rằng: “Những kẻ tham ô, lãng phí là quan liêu thì phá hoạt tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Mặt khác, Bác ân cần nhắc dạy chúng ta rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến”. Đối với những cán bộ sai lầm, trong sách “Sửa đổi lối làm việc”, Bác nêu “một không sợ”, “hai sợ”.
- Không sợ có sai lầm, khuyết điểm.
- Sợ thứ nhất “không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm...”.
- Sợ thứ hai “và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”. “Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế... Sự sửa đổi khuyết điểm một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo.
Sửa chữa sai lầm, cố nhiên dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng”.
Trong công tác xét xử. Bác nhắc nhở “Không vì công mà quên lỗi - không vì lỗi mà quên công”, thuyết phục giáo dục là hàng đầu, nhưng phải có kỷ luật rất nghiêm. Phải phân tích rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”. “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”. “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư, tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa, v.v.. Những thói xấu đó đã có từ lâu, nhất là trong 80 năm lô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng. Cũng như những người hàng ngày lội bùn, mà trên mình họ có hơi bùn, có vết bùn. Như thế thì có gì là kỳ quái?” “Cũng như một nhà có rể khờ, dâu dại, không thể cấm họ gặp gỡ bà con. Đảng ta dù muốn giấu những người và những việc không tốt kia, cũng không thể giấu. Quần chúng luôn luôn liên lạc với Đảng ta... Họ chẳng những trông thấy những người tốt việc tốt, mà họ cũng trông thấy nhóm người xấu, việc xấu trong Đảng. Họ sẽ ngơ ngác mà hỏi “Đảng này là Đảng tốt, đảng viên đều là người tốt, vì sao lại có những người vu vơ, những việc mờ tối như thế nhỉ?”.
Bốn hai năm đã qua, ngày nay, đọc lại những lời dạy bảo chí tình, chí nghĩa, chi ân ấy của Bác mà chúng ta giật mình thấy nhức nhối trong tim.
Qua mẩu chuyện cho chúng ta lời dạy thấm thía của Bác, lời dạy ấy vô cùng có ý nghĩa trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Mỗi cán bộ Kiểm sát phải không ngừng rèn luyện, phải không ngừng học hỏi, tu dưỡng để những lời dạy, chữ vàng mà Bác Hồ dành tặng cho Ngành kiểm sát trở thành nền tảng, cốt cách của mỗi cán bộ Kiểm sát. Song song đó mỗi cán bộ phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nghiêm túc trong thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống liêm khiết, trong sạch, công tâm, công bằng trong thực thi công vụ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Ngành và nhân dân giao phó./.
Người viết: Ngọc Nghĩa, Chi bộ 3
Nguồn: Trích trong Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh , Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.213-216