Tiết kiệm là phẩm chất đạo đức cơ bản của con người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm về tiết kiệm có nội dung sâu sắc, mới mẻ và rất nhân văn. Quan điểm về tiết kiệm là một phần quan trọng trong tư tưởng đạo đức của Người. Đặc biệt, Hồ Chí Minh không chỉ nói về tiết kiệm, mà còn là tấm gương ngời sáng về thực hành tiết kiệm. Những câu chuyện về sự tiết kiệm của Hồ Chí Minh trong chuyện ăn, ở, mặc, đi lại, làm việc đã trở thành huyền thoại của đạo đức cách mạng. Người sống một đời sống vật chất giản dị, đạm bạc và chỉ sử dụng cho mình những vật dụng tối cần thiết.
Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhằm nâng cao mức sống của nhân dân. Người cho rằng: “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân…”. Trong quan niệm của Người, tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ nhằm giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định. Hồ Chí Minh đã chỉ ra 03 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm, đó là: Tiết kiệm tiền của,tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm giờ giấc làm việc. Ngoài ra, trong thực tế cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện tiết kiệm thông qua việc“nói đi đôi với làm”. Với Hồ Chí Minh “nói thì phải làm”, “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động”. Đó là biểu hiện của tư tưởng tiết kiệm lời. Yêu cầu tiết kiệm lời được Hồ Chí Minh đặt ra với từng cá nhân cũng như toàn bộ tổ chức Đảng. Với các cơ quan đoàn thể, Người khuyên không nên họp nhiều, phải hết sức tránh “tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm” [3, tr.139].Với mỗi cá nhân, Hồ Chí Minh yêu cầu: “nói ít, bắt đầu bằng hành động”.
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam. Hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm đầy đủ đến vấn đề thực hành tiết kiệm một cách đúng đắn hơn, khoa học hơn. Đối với Chi bộ 2, Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ, để vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tổ chức cho toàn thể đảng viên, học tập, quán triệt, nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết hợp với các đợt thi đua, phát động phong trào phấn đấu thực hiện tốt tiết kiệm, chống lãng phí với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị. Từ đó từng bước nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đảng viên trong đơn vị.
Hai là, cần thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị, xây dựng quy chế làm căn cứ xác định nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm, đánh giá, khen thưởng, xử lý; xây dựng các tiêu chí văn hóa, văn minh, dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật nơi công sở.
Ba là, cần tăng cường giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng và phát huy vai trò của văn hóa công sở: để chấn chỉnh ý thức chấp hành thời gian làm việc, bản thân mỗi người cần nhận thức được ý nghĩa của việc tiết kiệm, nâng cao hiệu quả giờ làm việc và nhận thức việc sử dụng đúng, sử dụng có hiệu quả giờ làm việc theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa công sở nhằm hình thành thói quen, phong cách chấp hành kỷ luật giờ làm việc của cán bộ trong khoa, phòng mình.
Bốn là, cần thực hiện công bằng trong đánh giá hiệu quả làm việc của đảng viên đơn vị: để làm tốt việc này, cần có biện pháp khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời những cán bộ nghiêm túc chấp hành kỷ luật lao động, làm việc có hiệu quả cao; đồng thời xử lý nghiêm khắc những người vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm quy định của pháp luật, quy chế của đơn vị về thời giờ làm việc.
Năm là, vấn đề liên quan đến văn phòng phẩm: trước khi định mua đồ dùng văn phòng phẩm cho đơn vị, đảng viên phụ trách mua văn phòng phẩm cần tập hợp nhu cầu văn phòng phẩm của mỗi phòng, rồi lên danh sách những thứ cần mua. Cách làm này giúp kiểm soát số lượng, chủng loại các đồ dùng cần đặt mua, tránh việc mua vật dụng văn phòng phẩm này quá nhiều mà không dùng hết gây lãng phí, nhờ đó, có thể tính toán trước chi phí mua sắm. Đồ dùng văn phòng phẩm, vật tư văn phòng cần được đặt ở một nơi nhất định, giúp việc phân bổ và giám sát dễ dàng. Nên thường xuyên giám sát số lượng còn trong kho để biết đảng viên có sử dụng lãng phí hay không cũng như biết phòng nào sắp hết để cấp phát, thu mua kịp thời, phục vụ nhu cầu công việc. Bên cạnh đó cần đưa ra định mức sử dụng phù hợp với nhu cầu mỗi bộ phận.
Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta. Học tập Bác là phải làm theo Bác, học thực chất, làm thực chất, học và làm theo bằng chính trách nhiệm mỗi đảng viên, bằng đạo đức nghề nghiệp. Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đảng viên Chi bộ 2 thường xuyên thực hiện đồng bộ các giải pháp như đã nêu trên. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong làm gương về thực hành tiết kiệm. Từ đó tạo ra sự tin tưởng, đồng thuận trong tập thể, tạo ảnh hưởng tích cực đến mọi người xung quanh. Trong bối cảnh hiện nay, sự lãng phí còn đang diễn ra ở nhiều người,nhiều nơi, thì việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm là điều rất cần thiết, giúp bản thân mỗi người được hoàn thiện hơn, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội theo đúng phương châm “ Thực hiện tốt điều đó thì chúng ta đã góp phần làm cho tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi ngời sáng trong lòng mỗi người dân Việt Nam và những lời dạy của Người về thực hành tiết kiệm mãi còn nguyên giá trị.
Bích Hà
Chi bộ 2, Đảng bộ VKSND TP Cần Thơ