Hàng ngày, Bác thường căn dặn các chiến sĩ cảnh vệ phải luôn có ý thức tổ chức, kỷ luật, triệt để tôn trọng nội quy chung.
Bác bảo: “Khi bàn bạc công việc gì, đã quyết thì phải triệt để thi hành. Nếu đặt ra cho mình những việc phải làm thì cương quyết thực hiện cho bằng được”.
Một hôm, Bác đến thăm một ngôi chùa lịch sử. Đúng dịp lễ nên khách nước ngoài và nhân dân đến chùa rất đông.
Bác vừa vào chùa, vị Sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Bác đừng cởi dép. Bác không đồng ý.
Đến thềm chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài rồi mới bước vào, giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ.
Trên đường về nhà, xe đang chạy, bỗng đèn đỏ ở một ngã tư bật lên.
Đường phố đúng lúc đông người.
Xe chở Bác cũng như các xe khác đều dừng lại cả.
Mọi người trong xe lo lắng nhìn nhau. Nếu nhân dân trông thấy Bác, họ sẽ ùa ra ngã tư này thì dễ gây tắc nghẽn.
Nghĩ vậy, cả xe bèn cử một chiến sĩ cảnh vệ chạy đến bục yêu cầu công an giao thông mở đường cho xe Bác.
Nhưng Bác đã hiểu ý, Bác ngăn lại rồi bảo: “Các chú không được làm như thế. Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình”.
Ai cũng thấm thía lời Bác dạy...
Câu chuyện tuy ngắn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc: đó là mọi người phải Nói và làm theo pháp luật. Phải Nói đi đôi với làm. Phải Gương mẫu trong mọi công việc, phải tôn trọng luật lệ kỷ cương phép nước, Phải thể hiện tính gương mẫu kỷ luật thì mới tạo được lòng tin trong quần chúng nhân dân.
Tôn trọng luật lệ là việc nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy của cơ quan, đơn vị, là vấn đề mang tính chuẩn mực xã hội, việc tôn trọng và thực hiện luật lệ là trách nhiệm của toàn xã hội nói chung và là trách nhiệm của mỗi mỗi cán bộ, công chức, người lao động, đảng viên trong Ngành Kiểm sát nói riêng, từ đó cũng góp phần xây và giữ gìn hình ảnh, truyền thống tốt đẹp của người cán bộ Kiểm sát nhân dân trong lòng quần chúng nhân dân./
Kim Sương
Chi bộ 3, Đảng bộ VKSND TP Cần Thơ