( Mẩu chuyện được trích trong cuốn Những mẫu chuyện về phong cách Hồ Chí Minh của NXB Thanh Niên, do đồng chí Vừ Mí – đại biểu dân tộc thiểu số kể lại), nội dung mẩu chuyện như sau:
“Vào năm 1956, tôi được cử về Hà Nội tham gia đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số đi thăm Trung Quốc bốn tháng. Hết thời gian tham quan về nước, hôm sắp sửa trở lại Đồng Văn, tôi nhận được tin sẽ được đến thăm Bác tại Phủ Chủ tịch. Tin này làm tôi rất vui như người đói được ăn, người khát được uống nước. Rồi chúng tôi được đưa đến Phủ Chủ tịch. Khi bước chân lên thềm nhà cao rộng, đẹp đẽ, tôi hồi hộp vô cùng. Lúc gặp Bác, người tôi nóng ran lên vì xúc động, tôi nhìn Bác không chớp mắt. Hôm ấy, tôi được tận mắt nhìn thấy Bác, Bác tươi cười hỏi thăm sức khoẻ mọi người, rồi Bác hỏi ngay đến đời sống và tình hình làm ăn của các dân tộc miền núi, Bác hỏi:
Đất đã cho ngô khoai tươi tốt, nuôi sống các cô, các chú thế ngô khoai ăn xong, bây giờ các cô các chú lấy cái gì mà trả lại cho đất nào?
Tất cả chùng tôi đều im lặng trước câu hỏi của Bác, lúng túng không biết trả lời thế nào cho phải. Thấy vậy, Bác nói tiếp: Phải chăm bón, làm cho đất tốt thì người mới no, phải cần cải tiến kỹ thuật. Bác căn dặn chúng tôi phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không được xa rời quần chúng. Mình là đại biểu của các dân tộc ít người đã cực khổ nhiều rồi, mai được cách mạng, được Đảng dắt ra khỏi cuộc đời tăm tối, được quần chúng tin yêu cử ra làm việc thì không lúc nào được xa rời quần chúng; làm cán bộ là làm đầy tới nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng. Tôi nhớ rất kỹ lời Bác dạy. Tôi nghĩ mình làm việc cho quần chúng thì ít, ngược lại, quần chúng có thể giúp mình nhiều. Tôi thấy lời dạy của Bác thật chí lý, chí tình, càng áp dụng vào thực tế càng thấy thấm thía”.
Thông qua mẩu chuyện ta thấy, tuy đã qua thời gian khá lâu những lời nhắc nhỡ “không được xa rời quần chúng” và làm“cán bộ là làm đầy tới nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng” của Bác trong mẫu chuyện vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, cho dù đã qua nhiều giai đoạn lịch sử, hình hành và phát triển của đất nước.
Đối với ngành Kiểm sát nhân dân đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, giao phó chức năng, nhiệm vụ “Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp” nên mỗi cán bộ Đảng viên của Ngành cần phải tạo chuyển biến mạng mẽ và sâu rộng về ý thức tu dưỡng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng chống chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và nạn tham nhũng, tiêu cực; thấm nhuần các bài học về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh một cách sâu sắc; phải luôn công bằng và sáng suốt trong giải quyết công việc; khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải làm đúng theo lẽ phải, không thiên vị, giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn; không vì tiền tài, vật chất, lợi ích riêng tư mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng; phải có bản lĩnh, ngay thẳng, chân thành, giản dị; phải tự giác rèn cho mình ý thức và thái độ chuẩn mực trong việc nhìn nhận, đánh giá bản thân, không được tự mãn, tự kiêu, không tự thỏa mãn đối với những gì mà mình đã đạt được, mà tỏ ra coi thường người khác, không quan liêu, cửa quyền, hách dịch; trong cuộc sống, gần gửi với đồng nghiệp, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; luôn cần cù, chịu khó, sáng tạo và khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mới xứng đáng là người cán bộ ngành Kiểm sát.
|
Người sưu tầm: Nguyễn Ngọc Chúc- Chi bộ 7 |