Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, có một đôi dép lốp cũ mòn được lưu giữ như quốc bảo, đó chính là đôi dép mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng từ năm 1947 cho đến khi Người qua đời. Đôi dép của Bác được “chế tạo’’ từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Đôi dép đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ, rất vừa chân Bác.
Trong một lần đi công tác, Bác nói vui với các cán bộ đi cùng:“Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa. Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được”.
Gặp suối hoặc trời mưa trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép xách tay. Đi thăm bà con nông dân, sải chân trên các cánh đồng đang cấy, đang vụ gặt, Bác lại xắn quần cao lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép.
Mười một năm rồi vẫn đôi dép ấy. Các chiến sĩ cảnh vệ cũng đã đôi ba lần “xin’’ Bác đổi dép nhưng Bác bảo “vẫn còn đi được’’.
Cho đến lần đi thăm Ấn Độ, khi Bác lên máy bay, ngồi trong buồng riêng thì mọi người trong tổ cảnh vệ lập mẹo dấu dép đi, để sẵn một đôi giầy mới. Máy bay hạ cánh xuống Niu-đê-li, Bác tìm dép.
- Mọi người thưa:“Có lẽ đã cất xuống khoang hàng của máy bay rồi… Thưa Bác….”
- Bác đáp: “Bác biết các chú cất dép của Bác đi chứ gì. Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn, nhân dân ta còn khó khăn, Bác đi dép cao su nhưng bên trong lại có đôi tất mới thế là đủ lắm mà vẫn lịch sự”.
- Bác ôn tồn nói tiếp: “Vậy là các anh chiến sĩ phải trả lại dép để Bác đi vì dưới đất chủ nhà đang nóng lòng chờ đợi”.
Trong suốt thời gian Bác ở Ấn Độ, nhiều chính khách, nhà báo, nhà quay phim… rất quan tâm đến đôi dép của Bác. Họ cúi xuống sờ nắn quai dép, thi nhau bấm máy từ nhiều góc độ, ghi ghi chép chép… làm tổ cảnh vệ lại phải một phen xem chừng và bảo vệ “đôi hài thần kỳ” ấy.
Năm 1960, Bác đến thăm một đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam. Vẫn đôi dép “thâm niên” ấy, Bác đi thăm nơi ăn, chốn ở, trại chăn nuôi của đơn vị. Các chiến sĩ rồng rắn kéo theo, ai cũng muốn chen chân, vượt lên để được gần Bác hơn. Bác vui cười nắm tay chiến sĩ này, vỗ vai chiến sĩ khác.
Bỗng Bác đứng lại: “Thôi, các cháu dẫm làm tụt quai dép của Bác rồi…”
Nghe Bác nói, mọi người dừng lại cúi xuống yên lặng nhìn đôi dép rồi lại ồn ào lên:“Thưa Bác, cháu, cháu sửa được ạ…”
Thấy vậy, các chiến sĩ cảnh vệ trong đoàn chỉ đứng cười vì biết đôi dép của Bác đã phải đóng đinh sửa mấy lần rồi…
Bác cười nói: “Cũng phải để Bác đến chỗ gốc cây kia, có chỗ dựa mà đứng đã chứ!”
Bác “lẹp xẹp” lết đôi dép đến gốc cây, một tay vịn vào cây, một chân co lên tháo dép ra và nói: “Đây! Cháu nào giỏi thì chữa hộ dép cho Bác…”
Một anh nhanh tay giành lấy chiếc dép, giơ lên nhưng ngớ ra, lúng túng. Anh bên cạnh liếc thấy, “vượt vây” chạy biến…
Bác phải giục:“Ơ kìa, ngắm mãi thế, nhanh lên cho Bác còn đi chứ.”
Anh chiến sĩ, lúc nãy chạy đi đã trở lại với chiếc búa con, mấy cái đinh và nới“Cháu, để cháu sửa dép…”
Mọi người dãn ra. Phút chốc, chiếc dép đã được chữa xong. Những chiến sĩ không được may mắn chữa dép phàn nàn:“Tại dép của Bác cũ quá. Thưa Bác, Bác thay dép đi ạ!”
Bác nhìn các chiến sĩ nói:“Các cháu nói đúng… nhưng chỉ đúng có một phần… Đôi dép của Bác cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai. Cháu đã chữa lại chắc chắn cho Bác thế này thì nó còn ‘’thọ’’ lắm! Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên… Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo…”.
Trên thế giới, có lẽ không có vị lãnh tụ nào lại đi đôi dép cao su như Bác. Chính vì sự giản dị đến không ngờ của một Chủ tịch nước mà nhiều chính khách, nhà báo, nhà văn trên thế giới ngưỡng mộ và ca tụng Người. Bác Hồ của dân tộc Việt Nam chúng ta là thế đó. Suốt cả đời mình, Người không màng đến của cải vật chất, không đòi hỏi gì cho bản thân mình vượt quá nhu cầu giản dị, đơn sơ của một con người bình thường.
Qua câu chuyện về “Đôi dép Bác Hồ”, chúng ta càng suy nghĩ thấm thía hơn về nhân cách và tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng, luôn hy sinh cho cộng đồng dân tộc, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc mà không đòi hỏi bất kỳ điều gì, miễn có được độc lập, tự do cho đồng bào chính là lẽ sống và niềm vui lớn nhất của Bác.
Mẫu chuyện như một minh chứng sinh động cho tấm gương, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự cần, kiệm, giản dị. Cuộc đời của Người là một cuộc đời thanh bạch, giản dị, chừng mực, từ câu nói, tác phong đến vật dùng tư trang hàng ngày, từ ǎn uống đến sở thích sống hoà mình, đồng cam cộng khổ với nhân dân. Người không thích sự xa hoa, hoang phí; không ưa chuộng những nghi thức sang trọng. Ở địa vị càng cao Người càng giản dị.
Bài học về sự giản dị, tiết kiệm của Người là tấm gương sáng cho các thế hệ sau học tập và noi theo. Nhất là hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang mở rộng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ngày nay, cùng với xu hướng mở rộng hợp tác quốc tế và mở cửa nền kinh tế, đời sống nhân dân ta ngày càng được nâng cao hơn trước. Tuy nhiên, kéo theo đó, nhiều yếu tố đạo đức xã hội tiêu cực không ngừng nhen nhóm ảnh hưởng và tác động rất lớn đến ý thức thực hành tiết kiệm của cán bộ ta và nhân dân như: lối sống hưởng thụ, xa hoa, đua đòi, chạy theo những cám dỗ vật chất tầm thường.
Trước tình hình đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nói chung và cán bộ, đảng viên, công chức ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất cách mạng theo tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Trong lối sống, sinh hoạt thường ngày: Mỗi chúng ta phải tự giác, tích cực điều chỉnh cách sống tiết kiệm và giản dị; mộc mạc và đơn sơ; sống lành mạnh, đúng với chuẩn mực xã hội.
- Trong công tác: phải giữ gìn, tiết kiệm và sử dụng tải sản công một cách có trách nhiệm; không phô trương, không xa hoa, tiệc tùng, tiêu hoang công sản khi thi hành nhiệm vụ, gây phản cảm cho dư luận và tạo dựng hình ảnh xấu trong nhân dân; tái sử dụng tìa sản công một cách linh hoạt, hiệu quả; đơn giản, tiết kiệm nhưng không xề xòa, bủn xỉn.
- Nếp sống giản dị không chỉ đơn thuần là tiết kiệm, mà giản dị còn thể hiện ở sự đơn giản, mộc mạc cả trong lời nói và cách ứng xử với đồng nghiệp, với nhân dân. Đặc biệt, khi tiếp xúc và làm việc với người dân, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải hòa đồng, thân thiện, có lời nói, ứng xử hết sức mộc mạc, chân phương, dễ hiểu.
Thực tiễn cho thấy, khi cán bộ, đảng viên có thể sống bình dị, sống hoà mình vào quần chúng thì mới có thể hiểu được đời sống thực tiễn, mới nắm được tâm tư, nguyện vọng, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của dân. Dù ở bất cứ chức vụ, cấp bậc nào, chúng ta càng bình dị, càng gần dân, càng được dân mến, dân tin. Và chỉ khi được dân mến, dân tin thì lời nói, việc làm của người cán bộ, đảng viên mới thực sự phát huy hiệu quả, từ đó góp phần hoàn thành tốt trọng trách mà Ðảng và Nhân dân giao phó.
Võ Thị Hồng Ngân, Chi bộ 1,
Đảng bộ VKSND TP Cần Thơ
Đảng bộ VKSND TP Cần Thơ