Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, linh hồn của khối đại đoàn kết dân tộc, không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng to lớn mà còn để lại toàn Đảng, toàn dân ta một di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhắc đến người Việt Nam đẹp nhất và cũng là nhắc đến một trong những con người đẹp nhất của thời đại. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết “Bác Hồ chính là kết tinh của vẻ đẹp Việt Nam - Người chính là sen của loài người”.Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam noi theo, học tập. Mỗi câu chuyện về Bác lúc sinh thời là một bài học hay, luôn giữ vẹn nguyên giá trị và tính thời sự cho đến ngày hôm nay.
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều câu chuyện xuất phát từ những đồ dùng thông dụng hàng ngày chứa đựng những giá trị và ý nghĩa sâu sắc. Và câu chuyện của Bác về “Chiếc đồng hồ” chính là một biểu hiện của những giá trị ấy.
Nguồn ảnh: Internet.
Chuyện kể rằng: Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử.
Lúc đó, Bác lên diễn đàn, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ, từ cái kim giờ, kim phút, kim giây đến các bộ phận máy và bánh xe bên trong đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi:
- Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?
Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:
- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?
Mọi người đồng thanh đáp: - Thưa Bác, không được ạ.
Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:
- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: Trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?
Bác vui vẻ nói tiếp: “Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy”, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!
Chỉ trong ít phút ngắn ngủi nhưng đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, và tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình.
Câu chuyện nêu trên không chỉ khắc ghi trong lòng những cán bộ tham dự Hội nghị năm nàobài học sâu sắc mà còn giữ nguyên tính thời sự cho đến tận sau này. Từ một chiếc đồng hồ, và những hình ảnh rất gần gũi như con số, cái kim… Bác đã phân tích, chỉ ra một cách sinh động, dễ hiểu nhưng đầy thấm thía bài học quý giá về tình đoàn kết!
Liên hệ với đơn vị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ, cũng giống như chiếc đồng hồ, mỗi cá nhân, đơn vị, mỗi phòng nghiệp vụ đều không thể thiếu, không thể tách rời nhau. Tất cả đều có nhiệm vụ riêng, dù lớn dù nhỏ nhưng đều là một phần quan trọng để tạo nên một tập thể vững mạnh, cùng nhau thực hiện chức năng, nhiệm vụ chung làthực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Qua đó, bảo vệ tốt nhất quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.Chỉ cần một vị trí, một mắt xích suy yếu, rời rạc, hoặc yếu tố liên kết các mắt xích không chặt chẽ, chính xác sẽ làm suy giảm hiệu quả làm việc, thậm chí làm tê liệt hoạt động của cả hệ thống. Chính vì thế, việc suy bì, tính toán thiệt hơn về quyền lợi, trách nhiệm hay tư tưởng né tránh việc khó, ngại khó, ngại khổ giữa mỗi cá nhân, đơn vị sẽ dẫn đến sự mất đoàn kết nội bộ, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của cả tập thể.
Bản thân tôi may mắn được gắn bó với ngành Kiểm sát nhân dân, dù tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, nhưng tôi đã được chứng kiến và hết sức cảm phụctrước những sự kiện, tấm gương người thực, việc thực về tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau tại cơ quan, đơn vị và của ngành Kiểm sát nhân dân. Từ những khó khăn, vất vả, người cán bộ Kiểm sát đã không chỉ chung sức, chung lòng gánh vác công việc chung mà còn thấu hiểu, san sẻ với nhau từng khó khăn trong cuộc sống… Cùng nhau đi qua những gian khó, nghĩa tình đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội ngày càng trở nên gắn bó, bền chặt, thân thương như tình cảm gia đình. Có thể nói, tinh thần đoàn kết được gìn giữ như một truyền thống tốt đẹp của Ngành, là sợi dây gắn kết những thế hệ người cán bộ kiểm sát thành một tập thể với đúng ý nghĩa của nó, giúp choNgành kiểm sát nhân dân nói chung, VKSND TPCT nói riêng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trong tình hình hiện nay, trước nhiều nguy cơ suy thoái mà Đảng ta đã tổng kết, cảnh báo, có vấn đề về biểu hiện mất đoàn kết. Nơi này, nơi khác vẫn còn tình trạng mượn cớ phát huy dân chủ, núp bóng phê bình để hạ thấp uy tín, bôi nhọ danh dự lẫn nhau, làm khắc sâu mâu thuẫn nội bộ. Cùng nhau ôn lại bài học Bác dạy về tinh thần đoàn kết từ chiếc đồng hồ cũng nhưkế thừa những nỗ lực thực hiện lời dạy đó của lớp lớp cha anh ngành Kiểm sát. Thế hệ những người cán bộ Kiểm sát chúng ta hôm nay có thêm động lực để cố gắng làm theo Bác lời dạy, xây dựng phẩm chất và cốt cách người cán bộ kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và phát huy đoàn kết, đưa ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng vững mạnh, đi lên. Đoàn kết để ổn định, đoàn kết để đổi mới và sáng tạo, cùng nhau đoàn kết chúng ta có thể làm nên tất cả bởi lẽ "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công"!.