Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người về vật chất, tinh thần ngày càng tăng và để thỏa mãn nhu cầu đó thì các chủ thể phải tham gia các giao dịch khác nhau, trong đó có giao dịch dân sự. Theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015 thì giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 116). Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải theo quy định đó (Khoản 2 Điều 119).
Do đó, trong một số trường hợp luật định thì hình thức các giấy tờ trong giao dịch dân sự bắt buộc phải được công chứng, chứng thực.
1. Giao dịch về nhà ở:
Nhà ở là một loại bất động sản có giá trị rất lớn và được giao dịch khá phổ biến hiện nay. Do đó, pháp luật quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 các hình thức giao dịch về nhà ở: mua bán, tặng cho, góp vốn, thế chấp, đổi, thừa kế nhà ở phải được công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thừa kế trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 122. Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Giao dịch về quyền sử dụng đất:
Quyền sử dụng đất là một loại tài sản đặc biệt được pháp luật quy định là quyền dân sự và có thể được chuyển giao lưu thông dân sự, kinh tế. Pháp luật đất đai quy định người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp, thừa kế quyền sử dụng đất… Quyền sử dụng đất là đối tượng trong các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất và là di sản trong việc thừa kế quyền sử dụng đất. Do đó, theo các quy định tại Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và văn bản thừa kế quyền sử dụng đất cũng được pháp luật quy định phải công chứng hay chứng thực.
Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
……..
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Di chúc:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc; Do đó, di chúc phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng. Bộ luật dân sự 2015 quy định hai trường hợp di chúc phải được lập bằng văn bản công chứng chứng thực, đó là: di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ (khoản 3 Điều 630) và di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài (Khoản 5 Điều 647)
Điều 630. Di chúc hợp pháp
…..
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Điều 647. Công bố di chúc
.…….
5. Trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có công chứng hoặc chứng thực.
4. Lựa chọn người giám hộ:
Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ khi ở tình trạng cần được giám hộ (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhân thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ). Trường hợp lựa chọn người giám hộ thì phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.
Điều 48. Người giám hộ
1.….
2. Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì giao dịch dân sự được xác lập phải phù hợp với quy định pháp luật, nếu không thì giao dịch đó sẽ bị vô hiệu. Do đó, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần phải nhận thức rỏ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, nhằm nâng cao ý thức pháp luật của người dân góp phần giảm thiểu các vi phạm khi thực hiện giao dịch dân sự nói riêng và các quy định pháp luật nói chung.