Tại khoản 2 Điều 7 của Luật thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về các nghĩa vụ của người được thi hành án, trong đó có nghĩa vụ phải “Chịu phí, chi phí thi hành án theo quy định của Luật này” và tại Điều 60 của Luật này tiếp tục quy định: “Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự”. Vậy, phí, phí thi hành án dân sự là gì? mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự ra sao?
Luật Phí và Lệ Phí được Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2017, quy định: “Phí là khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công cộng được quy định trong Danh mục phí ban hành theo Luật này”. Theo Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật này thì phí thi hành án dân sự là một trong các loại phí thuộc lĩnh vực tư pháp, được cơ quan Bộ Tài chính quy định.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 216/2016/TT-BTC, ngày 10/11/2016, quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 và thay thế Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự. Trong phạm vi bài viết tôi xin giới thiệu về một số điều liên quan đến mức thu phí thi hành án dân sự và trường hợp không phải chịu phí thi hành án dân sự.
“Điều 4. Mức thu phí thi hành án dân sự
1. Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự như sau:
a) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận;
b) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng;
c) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 7.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 190.000.000 đồng cộng với 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7.000.000.000 đồng;
d) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 220.000.000 đồng cộng 0,5% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10.000.000.000 đồng;
đ) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận trên 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng.
2. Đối với vụ việc chia tải sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản thi hành án (chỉ cần một trong các bên có yêu cầu thi hành án), thì người được cơ quan thi hành án dân sự giao tiền, tài sản thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự tương ứng với giá trị tiền, tài sản thực nhận.
Ví dụ: Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500.000.000 đồng và phải thanh toán cho ông A 200.000.000 đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án dân sự mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau:
Số phí thi hành án dân sự ông A phải nộp là: 3% x 200.000.000 đồng = 6.000.000 đồng;
Số phí thi hành án dân sự bà B phải nộp là: 3% x (500.000.000 đồng - 200.000.000 đồng) = 9.000.000 đồng.
3. Đối với trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án mà Chấp hành viên đã tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã yêu cầu hoặc người đại diện của người đã có yêu cầu để quản lý thì người yêu cầu hoặc người đại diện đó phải nộp phí thi hành án dân sự tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận theo mức quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Đối với trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự quy định tại khoản 1 Điều này tính trên sốtiền, tài sản thực nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư này.
5. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 điều này tính trên số tiền, tài sản thực nhận.”
“Điều 6. Trường hợp không phải chịu phí thi hành án dân sự
Người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án dân sự khi được nhận các khoản tiền, tài sản thuộc các trường hợp sau đây:
1. Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận.
3. Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi.
4. Tiền hoặc giá trị tài sản theo yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định.
5. Khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong trường hợp Ngân hàng cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
6. Bản án, quyết định của Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử.
7. Tiền, tài sản được trả lại cho đương sự trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Luật thi hành án dân sự.
8. Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật thi hành án dân sự.”
Phải khẳng định rằng, các Luật, Thông tư quy định về phí thi hành án dân sự hiện hành như: Luật thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật số 97/2015/QH13; Thông tư số 216/2016/TT-BTC và các Luật, Nghị quyết, Nghị định có liên quan, như: Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí; Nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính Phủ;…thể hiện được tính khoa học, các quy định rất chi tiết, rõ ràng và phù hợp với thực tiễn.
Vấn đề đặt ra ở đây là Người nộp phí thi hành án (người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại); Tổ chức thu phí thi hành án dân sự (Cơ quan thi hành án dân sự); Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự cần đảm bảo việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần cho pháp luật của nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thục thi một cách nghiêm chỉnh, thống nhất.