Qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự đối với Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp của Viện kiểm sát nhân dân quận Ô Môn, thực tiễn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong kiểm sát thu, quản lý, chi tiền thi hành án xin trao đổi đến quý đồng nghiệp, như sau:
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014 thì hoàn trả tiền tạm ứng án phí là một trong những loại việc chủ động thi hành án mà cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành thường xuyên kể cả thủ tục hoàn trả số tiền nhỏ cho đương sự đều phải thực hiện theo trình tự thủ tục chung do pháp luật quy định. Trên thực tế việc hoàn trả đối với những số tiền tạm ứng án phí hoặc tài sản có giá trị nhỏ thì lại không hề dễ dàng, như:
+ Trình tự thủ tục trả lại tiền tạm ứng án phí được quy định cụ thể tại Điều 126 Luật thi hành án dân sự và khoản 2, khoản 5 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo quy định tại khoản 5 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự thì việc trả lại tiền tạm ứng án phí theo bản án, quyết định được thực hiện theo quy định tại các khoản 1,2,3 và 4 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự. Sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các Điều 98, 99 và 101 của Luật Thi hành án dân sự và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước.
+Trường hợp người được thi hành án không đến nhận lại tiền tạm ứng án phí được hoàn trả. Vấn đề đặt ra là số tiền tạm ứng án phí được trả lại trong các vụ án có giá trị nhỏ 150.000 đồng,100.000 đồng… dẫn đến nhiều đương sự không đến nhận lại tiền do ngại phải bỏ thời gian, công sức đến nhận lại. Một số trường hợp sau khi Tòa án ra bản án hoặc quyết định thì đương sự chuyển đi nơi khác hoặc không thể xác định được địa chỉ của đương sự…dẫn đến tình trạng Cơ quan thi hành án dân sự thông báo nhiều lần nhưng đương sự không đến nhận tiền. Nếu để theo dõi 05 năm mới xử lý theo quy định thì dẫn đến số việc tồn đọng ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Quy định trên rất cụ thể về cách thức xử lý đối với khoản tiền, tài sản được trả lại cho đương sự mà đương sự không đến nhận. Tuy nhiên vướng mắc là thời gian để xử lý khoản tạm ứng án phí trong trường hợp đương sự không đến nhận còn dài: Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước. Như vậy để giải quyết dứt điểm hồ sơ thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải đợi đủ thời hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự là sau 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật… khoản tiền này mới được làm thủ tục sung quỹ nhà nước.
- Bên cạnh đó, đối với một số bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị nhưng cấp phúc thẩm chậm chuyển giao bản án, quyết định phúc thẩm cho Cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện để thi hành. Bên cạnh đó, luật không quy định cấp phúc thẩm phải chuyển giao bản án, quyết định phúc thẩm cho Viện kiểm sát cấp huyện cũng gây khó khăn trong việc theo dõi, kiểm sát việc ra quyết định thi hành án liên quan đến khoản tiền thi hành án, tiền tạm ứng án phí.
- Ngoài ra, đối với hầu hết các vụ việc thi hành án dân sự trong hình sự vẫn là một trong những khó khăn trong việc tổ chức thi hành đối với các loại bản án, quyết định này vì phần lớn những người phải thi hành án này không có tiền, tài sản có giá trị dẫn đến không có điều kiện thi hành án nhưng việc tổ chức xác minh điều kiện thi hành án vẫn tiến hành theo quy định hoặc là sau khi chấp hành xong án phạt tù, người phải thi hành án bỏ đi lang thang, không xác định được địa chỉ, nơi cư trú gây khó khăn cho thi hành án, dẫn đến tình trạng án tồn đọng, kéo dài./.