Án phí dân sự là số tiền mà đương sự phải nộp vào ngân sách Nhà nước khi được Tòa án giải quyết vụ án. Theo đó họ phải chịu mức án phí đối với yêu cầu của mình không được Tòa án chấp nhận do không có căn cứ theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm: “Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm”.
Ngày 30/12/2016 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến án phí và lệ phí Tòa án. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 thay thế cho Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 mở rộng hơn về đối tượng được miễn án phí được quy định tại Điều 12 về các trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án.
“1. Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
a) ……………………………
đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ”.
Tại Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 quy định: “Công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”.
Tại Điều 14 Bộ luật tố tụng dân sự quy định hồ sơ đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án.
“1. Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.
“2. Đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án phải có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
c) Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm”.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu quan điểm về đối tượng được miễn án phí là “Người cao tuổi”. Theo quy định trên thì người cao tuổi cũng là một trong các đối tượng được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm nên đương sự phải thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 14 của Nghị quyết 326 khi đó Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án mới có căn cứ xem xét. Tuy nhiên, thực tiễn khi giải quyết án giai đoạn phúc thẩm cho thấy các tranh chấp phát sinh có liên quan đương sự là người cao tuổi chiếm tỷ lệ tương đối lớn nhưng rất ít Tòa án sơ thẩm áp dụng quy định này để miễn án phí do đương sự. Trong hồ sơ thể hiện không có đơn yêu cầu của đối tượng được miễn nhưng không rõ Tòa án cấp sơ thẩm có giải thích cho họ hay không.
Do vậy, thiết nghĩ để việc thực hiện nghiêm Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án kiểm sát viên khi kiểm sát xét xử vụ án phải xem xét nếu đương sự là đối tượng “Người cao tuổi” thì thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải thích để họ thực hiện các thủ tục theo đúng quy định. Tuy nhiên, đối với các vụ án không thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, thì kiểm sát viên khi thực hiện chức năng kiểm sát án văn cũng cần lưu ý vụ, việc có đương sự là “người cao tuổi” mà Tòa án không vận dụng miễn án phí theo quy định của Nghị quyết này. Kiểm sát viên tổng hợp và làm tham mưu cho lãnh đạo Viện thực hiện quyền kiến nghị hoặc kháng nghị tùy theo vụ việc.