Trong những năm qua, tình trạng công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài ngày càng gia tăng, chủ yếu tập trung ở các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc… Nhưng rất ít cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu thật sự, kết hôn vì tình cảm chân chính tạo ra những điểm tích cực, tiếp cận đa dạng văn hóa tạo điều kiện để học hỏi mà phần lớn từ mục đích kinh tế do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ học vấn thấp, thông qua môi giới đã chấp nhận kết hôn với người không quen biết, chênh lệch về tuổi tác, khác biệt ngôn ngữ chỉ với mong muốn được đổi đời, xuất ngoại… Nên hầu hết các cuộc hôn nhân này chỉ tồn tại về mặt pháp lý là giấy chứng nhận kết hôn, nhưng thực tế vợ chồng đã nhiều năm không còn sống chung và cuối cùng phải chọn giải pháp ly hôn.
Thực tế giải quyết các vụ án cho thấy, hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài là vấn đề quan trọng, có tính quyết định để đủ điều kiện đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, việc ủy thác tư pháp đến các nước đạt hiệu quả rất hạn chế, thậm chí những trường hợp không có kết quả hoặc có kết quả nhưng rất chậm; Nhiều trường hợp ủy thác từ khi Tòa án gửi hồ sơ yêu cầu cho Bộ tư pháp đến khi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài nhận được hồ sơ khá dài, chưa nói đến việc tống đạt phải thực hiện theo qui định của pháp luật của nước có đương sự đang cư trú.
Có trường hợp, khi thực hiện ủy thác tư pháp có nhiều trường hợp hồ sơ ủy thác của Tòa án bị cơ quan có thẩm quyền của nước nhận ủy thác trả lại với lý do địa chỉ không chính xác do đương sự là công dân Việt Nam cung cấp địa chỉ của đương sự ở nước ngoài được ghi trong giấy chứng nhận kết hôn, còn thực tế đương sự ở nước ngoài sinh sống ở địa chỉ nào thì đương sự ở Việt Nam không biết, vì thế trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án cũng không có cơ sở để xác minh, tống đạt cho đương sự ở nước ngoài. Đối với các trường hợp ủy thác nhưng không có kết quả thì Tòa án sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục theo luật định.
Tại khoản 4 Điều 477 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Tòa án không nhận được văn bản thông báo về kết quả tống đạt cũng như lời khai, tài liệu, chứng cứ của đương sự ở nước ngoài và đến ngày mở phiên tòa đương sự ở nước ngoài không có mặt, không có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ thì Tòa án hoãn phiên tòa. Ngay sau khi hoãn phiên tòa thì Tòa án có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp hoặc cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thông báo về việc thực hiện tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài trong trường hợp Tòa án thực hiện việc tống đạt thông qua các cơ quan này theo một trong các phương thức quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 474 của Bộ luật này.
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản của Tòa án, cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phải thông báo cho Tòa án về kết quả thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Bộ Tư pháp nhận được văn bản của Tòa án, Bộ Tư pháp phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài trả lời về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài gửi về thì Bộ Tư pháp phải trả lời cho Tòa án.
Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chuyển văn bản của Tòa án cho cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài mà không nhận được văn bản trả lời thì Bộ Tư pháp phải thông báo cho Tòa án biết để làm căn cứ giải quyết vụ án”.
Như vậy, tổng hợp thời gian ủy thác tư pháp do Bộ luật tố tụng dân sự quy định thì ít nhất là 16 tháng, kể từ ngày Tòa án ra văn bản thông báo thụ lý và hết thời hạn này, Tòa án mới xét xử vắng mặt đối với đương sự ở nước ngoài nên để giải quyết một vụ án chỉ ở giai đoạn sơ thẩm cũng mất vài năm, chưa tính đến khi xét xử xong Tòa án phải thực hiện ủy thác tống đạt bản án, việc kháng cáo, kháng nghị (nếu có) dẫn đến án tồn đọng kéo dài.
Về cơ bản, Bộ luật tố tụng dân sự đã có những điều khoản cụ thể về vấn đề ủy thác tư pháp nhưng quy định này chỉ mới tạo được khung pháp lí, vẫn còn những điểm cần nghiên cứu bổ sung như quy định về khoảng thời gian ủy thác tư pháp, về cách thức tống đạt… vấn đề này đòi hỏi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong ủy thác tư pháp, góp phần giải quyết nhanh chóng các vụ án có yếu tố nước ngoài./.
Về cơ bản, Bộ luật tố tụng dân sự đã có những điều khoản cụ thể về vấn đề ủy thác tư pháp nhưng quy định này chỉ mới tạo được khung pháp lí, vẫn còn những điểm cần nghiên cứu bổ sung như quy định về khoảng thời gian ủy thác tư pháp, về cách thức tống đạt… vấn đề này đòi hỏi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong ủy thác tư pháp, góp phần giải quyết nhanh chóng các vụ án có yếu tố nước ngoài./.