Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa IX thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 29/10/2006. Luật này quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan tổ chức, gia đình, cá nhân trong thực hiện bình đẳng giới. Tiếp tục ngày 21/11/2007, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH11 quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hổ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.
Cả hai luật đã gửi đi thông điệp rõ ràng; Bình đẳng giới trước hết là bình đẳng về cơ hội việc làm, cơ hội tiếp cận với đào tạo và phát triển, bình đẳng trong đối xử như trả công lao động, các chế độ trợ cấp, phúc lợi , vị thế trong gia đình và trong xã hội…Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và không phải là việc riêng của từng gia đình, bằng sự tác động của luật pháp các nạn nhân được bảo vệ, hành vi bạo lực gia đình được ngăn chặn kịp thời. Sự ra đời của hai luật này thể hiện rõ sự quan tâm của Nhà nước ta đối với nhân dân nhất là phụ nữ và trẻ em. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam trong tình hình mới.
Khi các luật này có hiệu lực, các cơ quan Tư pháp và các đoàn thể tại thành phố Cần Thơ đã phối hợp với các ban ngành tổ chức triển khai quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân đều khắp 09 quận, huyện. Tại Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ, cán bộ, Kiểm sát viên cũng đã được công đoàn cơ sở triển khai quán triệt. Nhờ sự chủ động nghiên cứu, tiếp thu các nội dung chính của luật và vận dụng vào nhiệm vụ thực tế công tác của ngành đã góp phần chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố.
Theo số liệu thống kê, từ ngày 01/12/2007 đến 31/11/2017 các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Cần Thơ khởi tố và giải quyết 64 vụ/69 bị can về các tội liên quan đến hành vi bạo lực gia đình: Giết người 42 vụ/45 bị can; Cố ý gây thương tích 08 vụ/08 bị can; Hiếp dâm trẻ em 06 vụ/06 bị can; Cưỡng dâm 01 vụ/01 bị can; Dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm tội và Môi giới mại dâm 01 vụ/02 bị can; Trộm cắp tài sản 02 vụ/02 bị can; Cướp tài sản 02 vụ/ 03 bị can; Hủy hoại tài sản 02 vụ/ 02 bị can.
Trong thời gian qua, Viện kiểm sát hai cấp thành phố Cần Thơ luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp nhận thông tin liên quan đến tội phạm, thông qua: đơn thư khiếu tố, hòm thư tố giác tội phạm, thông tin báo đài ... kịp thời cập nhật những thông tin tố giác có căn cứ để xử lý hoặc chuyển xử lý đúng quy định của ngành. Ngay sau khi cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo ( theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015) hoặc khởi tố vụ án ( theo Bộ luật tố tụng hình sự 2003) lãnh đạo Viện phân công Kiểm sát viên kiểm sát điều tra theo dõi tiến trình giải quyết án cũng như các chứng cứ mà Cơ quan điều tra thu thập được để kịp thời đưa ra các yêu cầu điều tra. Với phương châm kiên quyết không để xảy ra oan sai và cũng không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, các Cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp thành phố Cần Thơ cẩn trọng trong các thao tác nghiệp vụ của mình, có sự phối hợp chặt chẽ trong việc nhận định, đánh giá chứng cứ, mức độ lỗi. Nên các vụ án khởi tố, điều tra truy tố và xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật, được sự đồng tình của quần chúng nhân dân.
Trên thực tế, việc phát hiện, xử lý đối với các hành vi phạm tội liên quan đến bạo lực gia đình là vô cùng khó khăn. Chỉ khi hành vi đó gây ra hậu quả thật sự thì nạn nhân hoặc người thân nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình mới trình báo cơ quan chức năng để can thiệp, giải quyết. Do đó, số vụ án hình sự được phát hiện, xử lý so với các vụ bạo lực gia đình đã xảy ra là không đáng kể. Bởi do nhận thức của người dân vẫn còn ngộ nhận giữa bạo lực gia đình với cuộc sống gia đình riêng tư. Bạo lực không chỉ giới hạn trong trường hợp người chồng đối với vợ con mà nó có thể xảy ra trong các mối quan hệ gia đình giữa các thế hệ, giữa những người không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng và những cặp vợ chồng đã ly hôn. Nhưng đa số phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Nguyên nhân chính của hiện tượng bạo lực gia đình phải nói bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ và một số tư tưởng phong kiến. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn vẫn còn hạn chế. Trình độ nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật trong một bộ phận người dân còn thấp khiến bạo lực gia đình vẫn tiếp tục xảy ra. Sự quan tâm của cộng đồng tới công tác phòng, chống bạo lực gia đình chưa được đầy đủ. Một số gia đình vẫn coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng trong mỗi gia đình và người ngoài không nên can thiệp. Một trong các yếu tố nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình đó là do thiếu hiểu biết pháp luật của người gây bạo lực và người bị bạo lực, do họ không hiểu được bạo lực gia đình là vi phạm quyền con người, vi phạm pháp luật. Khó khăn về kinh tế cũng là một trong những yếu tố có nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình vì khó khăn về kinh tế thường tạo ra các áp lực căng thẳng dễ dẫn tới các mâu thuẫn, tranh chấp nếu không biết cách xử lý phù hợp có thể gây nên bạo lực gia đình. Tuy nhiên không phải cứ có khó khăn về kinh tế là nhất thiết phải có bạo lực gia đình.
Người dân Việt Nam lại rất ngại sử dụng từ ”bạo lực” để chỉ những hành vi của người thân mình. Trừ những trường hợp ngược đãi gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Vì gia đình là một chế định đặc thù mang nặng tình cảm và sự thân thiết, mang tính huyết thống, có sự ràng buộc rất đặc biệt. Đây là nguyên nhân họ chịu đựng sự ngược đãi mà không muốn cho người ngoài biết, họ cho rằng khi tố cáo người vi phạm thì cuộc sống của bản thân và con cái họ như thế nào, gia đình họ sẽ ra sao. Vì vậy, bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em đã và đang là hiện tượng phổ biến nhưng lại khó phát hiện và rất khó áp dụng chế tài pháp luật để xử lý.
Trong những năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý giải quyết rất nhiều vụ, việc xin ly hôn nhưng rất ít vụ đề cập đến mâu thuẫn do bạo lực gia đình. Những người trong cuộc chỉ đưa ra lý do; do bất đồng quan điểm sống, mâu thuẫn về kinh tế, ngọai tình… họ luôn tránh né về những hành vi bạo lực đã xảy ra với họ. Ngoài ra tệ nạn xã hội cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn tới bạo lực gia đình. Ví dụ như rượu bia, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm…
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Các hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Khoản 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 gồm:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.
- Lăng mạ hoặc có hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng.
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
- Cưỡng ép quan hệ tình dục.
- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình.
- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.
- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Bạo lực gia đình đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng, trước hết là vi phạm quyền con người, gây tổn hại cho sức khoẻ, lòng tự trọng, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đe doạ đến an ninh, chất lượng cuộc sống của nạn nhân và mỗi gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Nó làm tổn hại đến gia đình, gây nhức nhối trong xã hội. Những hậu quả của bạo lực gia đình biểu hiện cụ thể như:
- Hao tốn tiền bạc vào việc chữa trị và phục hồi sức khỏe cho nạn nhân.
- Làm băng hoại các mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng.
- Giảm khả năng lao động của các nạn nhân.
- Làm giảm thu nhập của gia đình, xã hội, giảm mức sống cho các thành viên gia đình.
- Ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con cái.
- Gây áp lực lên hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe.
- Tiêu tốn nguồn lực cho các hoạt động can thiệp như Công an, Tòa án, hỗ trợ xã hội và pháp lý, các dịch vụ bảo vệ nạn nhân và xử lý tội phạm.
Những biện pháp để phòng ngừa bạo lực gia đình:
- Thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình;
- Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình;
- Tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo Điều 6 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Nhà nước cần thực hiện các chính sách sau để thúc đẩy hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình:
- Bố trí ngân sách hàng năm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, tài trợ cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
- Khuyến khích việc nghiên cứu, sáng tác văn học, nghệ thuật về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Tổ chức, hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lưc gia đình.
- Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà có thành tích thì được khen thưởng. Nếu bị thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 12 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 việc hoà giải mâu thuẫn tranh chấp được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
- Kịp thời, chủ động, kiên trì.
- Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo dức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
- Tôn trọng sự tự nguyện tiến hành hoà giải của các bên.
- Khách quan, công minh, có lý, có tình.
- Giữ bí mật thông tư đời tư của các bên.
- Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
Mọi người khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình đều phải có trách nhiệm kịp thời báo tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực. Đối với nhân viên y tế hoặc nhân viên tư vấn trong quá trình chăm sóc hay tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình, nếu phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm thì phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở để báo cáo cho cơ quan Công an gần nhất.
Các quy định pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình được điều chỉnh bởi rất nhiều ngành luật: Hiến pháp, Hình sự, Dân sự, Lao động, Hôn nhân và gia đình... Trong đó, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự là cẩm nang không thể thiếu của Kiểm sát viên khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao đối với các vụ án hình sự mà tội phạm liên quan đến bình đẳng giới và bạo lực gia đình. Bên cạnh công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên cần tổng hợp tình hình, tham mưu Lãnh đạo Viện xây dựng và ban hành kiến nghị đến các cơ quan chức năng về tội phạm liên quan đến giới và bạo lực gia đình để có những biện pháp phòng ngừa chung.
Tóm lại, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước. Luật Bình đẳng giới xác định vị thế bình đẳng của nữ giới và nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Luật Phòng chống bạo lực gia đình thể hiện rõ chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân trong gia đình và xã hội, đồng thời phát huy vai trò cá nhân, gia đình và cộng đồng trong phòng chống bạo lực gia đình. Luật Phòng chống bạo lực gia đình có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa bạo lực gia đình, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình và xử lý nghiêm minh các hành vi bạo lực gia đình. Luật ban hành tiếp tục khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên, thực hiên Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), góp phần quan trọng trong việc củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Những hành vi xâm phạm về vật chất có thể còn khắc phục được hoặc khắc phục được phần nào cho người bị hại, nhưng những hành vi làm tổn thất về tinh thần, đạo đức thì không gì bù đắp mà còn gây ra những hậu quả vô hình khác về sau này. Do vậy, về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình, ta lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Việc tuyên truyền, giáo dục qua kênh truyền thông đóng vai trò rất quan trọng, thông qua truyền thông mọi người sẽ được tiếp cận với những kiến thức, thông tin cần thiết, từ đó thay đổi hành vi, thói quen ứng xử, lối sống theo hướng tích cực, tiến bộ.