Bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh phổ biến trên thế giới, du nhập vào Việt Nam từ năm 1998 và phát triển nhanh chóng cho đến nay. Đây là một hình thức kinh doanh hiện đại, hiệu quả. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động kinh doanh đa cấp ở nước ta có nhiều diễn biễn phức tạp, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng lòng tham, sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người, bất chấp vi phạm pháp luật mà thực hiện việc bán hàng đa cấp bất chính nhằm trục lợi. Trong khi đó, chế tài đối với những hành vi bán hàng đa cấp bất chính là quá nhẹ so với những thiệt hại của hành vi này gây ra, vì thế nhiều tổ chức, cá nhân vẫn cố tình vi phạm.
Để quản lý, xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính, ngày 08/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tại Điều 1, Nghị định đã sửa đổi Điều 36 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, theo đó nâng mức phạt đối với nhiều hành vi bán hàng đa cấp bất chính.
Cụ thể, phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;
- Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;
- Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp;
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mua lại hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 36 sửa đổi.
Ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như:
- Buộc cải chính công khai đối với hành vi: Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp;
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm đối với hành vi tại khoản 1 Điều 36 sửa đổi.
Bên cạnh đó, nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tại Điều 2 của Nghị định số 141/2018/NĐ-CP còn sửa đổi quy định tại Điều 92 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2018. Trong trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi vi phạm trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định này.