Nghị định bổ sung thêm đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý. Bên cạnh đó, những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương.
Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung căn cứ tính trợ cấp. Theo đó, thời điểm tính tuổi hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng; trường hợp hồ sơ không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh. Thời gian tính trợ cấp là thời gian làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các hội được tính hưởng bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ; Thời gian tính trợ cấp có tháng lẻ thì tính tròn theo nguyên tắc dưới 3 tháng không tính, từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là ½ năm, từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn 1 năm.
Đặc biệt, Nghị định quy định trường hợp khi đã thực hiện tinh giản biên chế nhưng không đúng đối tượng thì người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận. Nếu người đó đã mất trong thời gian nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì số kinh phí này do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp người đó sử dụng kinh phí thường xuyên để thanh toán, ngân sách nhà nước không bổ sung kinh phí. Xây dựng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong dự toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương được áp dụng từ năm ngân sách 2019.