Theo quy định tại Điều 41 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì “Viện kiểm sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình”.
Tuy nhiên, để thực hiện trách nhiệm của Viện kiểm sát là điều không đơn giản. Bởi lẽ, việc phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm và tội phạm tội liên quan đến bạo lực gia đình là vô cùng khó khăn. Chỉ khi hành vi đó gây ra hậu quả thật sự thì nạn nhân hoặc người thân nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình mới trình báo cơ quan chức năng để can thiệp, giải quyết. Do đó số vụ bạo lực gia đình được phát hiện, xử lý so với các vụ bạo lực gia đình đã xảy ra trên thực tế là không đáng kể. Tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng tăng và việc xử lý đối với các hành vi này tương đối khó khăn xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, công tác phối hợp, tuyên truyền giữa các tổ chức, ban ngành, đoàn thể chưa đồng bộ, chưa đi vào chiều sâu. Điều đó thấy rõ nhất qua các vụ bạo lực gia đình thường xảy ra ở những vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế còn khó khăn. Do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên người dân chưa nhận dạng được thế nào là hành vi bạo lực gia đình và cũng chưa nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý về hình sự.
Thứ hai, hoạt động của các tổ chức, nhất là các tổ hòa giải ở cơ sở chưa thật sự mang lại hiệu quả. Công tác phát hiện, hòa giải mâu thuẫn, xung đột trong gia đình chưa kịp thời dẫn đến mâu thuẫn âm ĩ, kéo dài không giải quyết được từ đó cũng làm phát sinh các hành vi vi phạm và tội phạm tội liên quan đến bạo lực gia đình. Một phần của hạn chế trên đến từ công tác tổ chức của các tổ hòa giải ở cơ sở đa số là kiêm nhiệm, chế độ đãi ngộ đối với những người làm công tác này hầu như không có hoặc rất ít nên trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ không cao, làm hạn chế hiệu quả hoạt động của các tổ chức này.
Thứ ba, công tác xử lý đối với các hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình có phần hạn chế đi tính răn đe xuất phát từ chính sách nhân đạo, khoan hồng của pháp luật hình sự. Do người thực hiện hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình có mối quan hệ gần gũi, thân thích với nhau nên khi hành vi bạo lực gia đình xảy ra các nạn nhân thường che giấu, không tố giác hoặc có yêu cầu không xử lý hoặc yêu cầu xử lý nhẹ đối với các hành vi đó.
Một nguyên nhân nữa xuất phát từ phía nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình. Đa số các nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình là phụ nữ, trẻ em hoặc người già sống phụ thuộc nên đối với các hành vi bạo lực họ thường không có khả năng kháng cự hoặc mang tâm lý lo sợ không dám tố cáo hành vi đó với các cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết. Do đó, công tác phát hiện, xử lý đối với các hành vi này cũng gặp không ít khó khăn nhất định.
Nhằm để thực hiện tốt trách nhiệm của Viện kiểm sát trong phòng, chống bạo lực gia đình, người viết đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, trong chức năng, nhiệm vụ của mình Viện kiểm sát cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, giúp cho người dân nhận dạng, nhận thức được đâu là hành vi bạo lực gia đình để có biện pháp phòng tránh, tự bảo vệ bản thân trước các hành vi đó. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát cần nghiên cứu, đánh giá tình hình, nguyên nhân làm phát sinh hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến các bạo lực gia đình để đưa ra những kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể có biện pháp sửa đổi, khắc phục những tồn tại, hạn chế góp phần kéo giảm tình hình vi phạm, tội phạm nói chung và các vi phạm, tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình nói riêng.
Thứ ba, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành theo hướng cụ thể, dễ hiểu và phù hợp với thực tế hiện nay như: cần quy định rõ hơn những hành vi nào được coi là “bạo lực gia đình” và phải có sự tổng hợp các quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau về các hành vi để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, Luật thừa nhận 03 nhóm hành vi bạo lực gồm: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế nhưng lại không đưa ra sự phân loại hành vi của từng nhóm. Đồng thời Luật cần quy định rõ hơn khái niệm “thành viên gia đình” là như thế nào để làm căn cứ xác định rõ đối tượng điều chỉnh của Luật....
Hy vọng tới đây, khi được sửa đổi, bổ sung thì Luật phòng, chống bạo lực gia đình sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc và thống nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong điều kiện hội nhập quốc tế. Cũng như tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có Ngành kiểm sát.