Nhân dịp phát động đợt thi đua hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2018. Với mục đích nhằm tăng cường nhận thức của tất cả công chức và người lao động cũng như mọi người dân cần phải am hiểu thi hành đúng những chế độ, chính sách do Đảng, pháp luật Nhà nước ban hành có hiệu lực thi hành đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết công chức, người lao động tập trung chủ yếu vào công tác chuyên môn, công việc chính được giao thuộc từng lĩnh vực ngành, nghề do mình phụ trách. Bên cạnh đó còn bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ phát sinh hàng ngày như gia đình, đồng nghiệp….ít có thời gian để tìm hiểu về những chủ trương, chính sách mới do Đảng, Nhà nước ban hành thay đổi theo từng thời điểm phát triển của đất nước và xu thế phát triển toàn cầu.
Bản thân nhận thấy nếu không tìm hiểu bằng cách trực tiếp đọc, nghiên cứu, tìm hiểu những quy định mới của pháp luật thì thông qua các kênh truyền thông, chương trình phổ biến pháp luật, báo chí, mạng xã hội …. thì ít nhất cũng có thể tiếp cận và nắm bắt được những chính sách, những quy định mới đã được ban hành. Trong một tình huống cụ thể như có một đồng nghiệp nữ đang mang thai và chuẩn bị xin nghỉ phép theo chế độ, nhưng do chưa nắm được những quy định về việc nghỉ và hưởng chế độ thai sản theo Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội… hỏi bạn nhờ tư vấn hộ. Nếu là bạn hoặc tôi đều phải trả lời giúp đồng nghiệp nữ đó bằng cách: Một là liên hệ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội hay tiếp tục hỏi những đồng nghiệp, bạn bè khác am hiểu vấn đề này; Hai là trực tiếp đọc và nghiên cứu những quy định của pháp luật có liên quan để tư vấn cho đồng nghiệp nữ đó. Mặc dù tình huống hỏi của một đồng nghệp nữ đó rất là đơn giản, rất cụ thể và rất thực tế đời thường. Xong để trả lời, tư vấn giúp bạn nữ đó trong trường hợp này thì lại không đơn giản nếu bạn không thường xuyên theo dõi, tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia những buổi họp mặt tuyên truyền về pháp luật do các cơ quan, tổ chức triển khai.
Xuất phát từ những nhu cầu cá nhân phát sinh thường ngày của mỗi công chức, người lao động và tất cả mọi công dân đều có liên quan đến việc điều chỉnh của pháp luật, do Nhà nước quy định thành Luật và buộc phải chấp hành. Do vậy việc thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt thông tin có liên quan đến những quy định mới của Pháp luật là việc hết sức quan trọng không thể thiếu đối với tất cả mọi công dân Việt Nam.
Trở lại tình huống của một nữ đồng nghiệp hỏi về chế độ nghỉ thai sản theo chế độ. Tôi xin trao đổi những vấn đề pháp lý mới của luật quy định về vấn đề này cụ thể là:
Thứ nhất: Văn bản để điều chỉnh về giải quyết chế độ thai sản bao gồm
1. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (có 9 Chương, 125 Điều);
2. Nghị định 115/2015 NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
3. Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
4. Quyết định 636/QĐ-BHXH ngày 22/04/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
5. Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ lao động thương binh và xã hội
Thứ hai: Điều kiện hưởng chế độ thai sản Theo Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là : Đối tượng được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật không chỉ là người lao động nữ mang thai mà còn là người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ, người nhận nuôi con nuôi và Chồng/cha của lao động nữ mang thai. Theo quy định hiện nay thì đối tượng được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây (gồm 06 nhóm đối tượng chính: 1. Lao động nữ mang thai; 2. Lao động nữ sinh con; 3. Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; 4. Người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi; 5. Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biẹn pháp triệt sản; 6. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con).
Tuy nhiên cần lưu ý quan trọng: Không phải cứ đóng, tham gia bảo hiểm xã hội là đương nhiên được hưởng chế độ thai sản mà người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Người lao động nữ sinh con, Lao động nữ mang thai hộ, người mẹ mang thai hộ, người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi (Khoản 2, điều 31, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014).
+ Đối với trường hợp lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (Khoản 3, điều 31, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014).
+ Người lao động khi đáp ứng đủ hai điều kiện trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản (căn cứ theo điều 34, 36, 38 và khoản 1 điều 39 của luật bảo hiểm xã hội năm 2014)
Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được quy định cụ thể (tại khoản 2 điều 9 thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH):
+ Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
+ Đối với người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.
Trong thời gian đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà lao động nữ phải nghỉ việc để khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai thì được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 32 về thời gian hưởng chế độ khi khám thai, điều 33 về thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và điều 37 về thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Thứ ba: Thủ tục và hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thai sản.
Quy định tại điều 101của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật BHXH năm 2014.
Thứ tư: Trình tự và các bước giải quyết thủ tục hưởng bảo hiểm thai sản
1. Chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cần thiết nộp cho người sử dụng lao động:
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày người lao động trở lại làm việc (có thể trở lại trước hoặc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản) người lao động có trách nhiệm nộp đầy đủ hồ sơ cho người sử dụng lao động để tiến hành thủ tục đăng ký hưởng bảo hiểm thai sản.
Trường hợp, người lao động nghỉ việc, thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì cần nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan BHXh nơi đăng ký hưởng chế độ thai sản. Trình tự thực hiện thủ tục hưởng bảo hiểm thai sản theo quy định.
2. Người sử dụng lao động lập và nộp hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thai sản
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người lao động, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Giải quyết chế độ thai sản cho người lao động:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ do người dử dụng lao động (thường là công ty/doanh nghiệp, cơ quan nhà nước ...). Cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết chế độ và chi trả tiền cho người lao động thông qua việc chuyển khoản qua tài khoản đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải giải quyết hoặc chi trả trực tiếp cho người lao động.
Thứ năm: Thời gian đăng ký hưởng chế độ thai sản
Theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội hiện nay thì người lao động được hưởng những chế độ cụ thể sau:
1. Thời gian hưởng chế độ khám thai định kỳ:
Trong thời kỳ mang thai, lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; đối với những trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai bị các bệnh lý hoặc thai di có dị tật, không bình thường thì được nghỉ mỗi lần khám thai là 02 ngày.
2. Thời gian hưởng chế độ khi sảy thai, nạo hút thai, thai chết lưu, hoặc buộc phải phá thai vì các bệnh lý:
Theo quy định khi lao động nữ bị sảy thai, nạo hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai vì các bệnh lý thì người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ tối đa theo quy định hiện nay được tính như sau:
- Được nghỉ 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
- Được nghỉ 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
- Được nghỉ 40 ngày nếu thai từ 13 đến dưới 25 tuần tuổi;
- Được nghỉ 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
3. Thời gian nghỉ hưởng chế độ khi sinh con:
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Pháp luật bảo hiểm xã hội cũng quy định cụ thể về những trường hợp ngoại lệ (đặc biệt), cụ thể:
- Trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh mà thai chết lưu, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ quy định tại Điều 33 của Luật bảo hiểm xã hội tính từ thời điểm thai chết lưu.
Ví dụ: Chị C liên tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 3 năm, mang thai đến tháng thứ 8 thì nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, một tháng sau khi nghỉ việc thì thai bị chết lưu. Như vậy, chị C ngoài việc được hưởng chế độ thai sản cho đến khi thai chết lưu, còn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 50 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.(Ví dụ này được trích dẫn từ Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
- Trường hợp lao động nữ nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, sau khi sinh con mà con bị chết, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được hưởng chế độ quy định tại khoản 3 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội.
4. Thời gian nghỉ áp dụng với chồng/Lao động nam đóng bảo hiểm khi vợ sinh con: Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
+ Được nghỉ 05 ngày làm việc;
+ Được nghỉ 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
+ Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
+ Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Tuy nhiên cần lưu ý là:
- Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
- Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật này mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
- Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại khoản 4 Điều này thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
5. Thời gian nhận chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi:
Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ hưởng chế độ thai sản cho đến khi con nuôi đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản thì chỉ một trong hai người được hưởng chế độ thai sản.
6. Thời gian hưởng chế độ khi áp dụng các biện pháp tránh thai:
Khi thực hiện các biện pháp tránh thai (đặt vòng, triệt sản...) thì người lao động được nghỉ thai sản theo chỉ định của cơ quan khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ tối đa được quy định như sau:
- Được nghỉ 07 ngày làm việc đối với phụ nữ đặt vòng tránh thai;
- Được nghỉ 15 ngày đối với người lao động thực hiện các biện pháp triệt sản;
7. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi:
Lao động nữ sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi, thì được nhận trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 tháng lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trong trường hợp sinh con, chỉ có người chồng/cha tham gia bảo hiểm xã hội thì người chồng/cha được nhận trợ cấp một lần bằng 02 tháng lương cơ sở cho mỗi con tại thời điểm vợ sinh con hoặc nhận con nuôi.
Tiền lương cơ sở được áp dụng như sau:
+ Từ ngày 01/07/2017 mức lương cơ sở là: 1.300.000 đ/tháng (Một triệu ba trăm ngàn đồng chẵn);
+ Từ ngày 01/07/2017 mức lương cơ sở là: 1.390.000 đ/tháng (Một triệu ba trăm chín mươi ngàn đồng chẵn);
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được hiểu là tính theo ngày làm việc không bao gồm các ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết theo quy định.
6. Mức hưởng chế độ thai sản
Mức hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và được hướng dẫn cụ thể như sau:
(*) Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.
Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Cụ thể: Chị C sinh con vào ngày 16/3/2016, có quá trình đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Từ tháng 10/2015 đến tháng 01/2016 (4 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;
- Từ tháng 02/2016 đến tháng 3/2016 (2 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.
(Theo hướng dẫn tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị C được tính như sau:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc | = | (5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2) |
6 | ||
= | 5.500.000 (đồng/tháng) |
Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị C là 5.500.000 đồng/tháng.
Một số trường hợp cụ thể, cá biệt:
* Đối với trường hợp người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32 về thời gian hưởng chế độ khi khám thai, Điều 33 Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34 về Thời gian hưởng chế độ khi sinh con, Điều 37 về Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai của Luật bảo hiểm xã hội ngay trong tháng đầu thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó.
* Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều 39 về Mức hưởng chế độ thai sản của Luật bảo hiểm xã hội được hướng dẫn như sau:
+ Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
+ Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
+ Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
+ Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Thứ bảy: Chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh
Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được quy định cụ thể tại điều 13 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn chi tiết Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, cụ thể:
+ Lao động nữ, lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 41 về Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản của Luật bảo hiểm xã hội và điểm c khoản 3 Điều 3 về Chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
+ Lao động nữ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó.
Cụ thể: Chị Th đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ngày 15/12/2016 trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con, đến ngày 10/01/2017 do sức khỏe chưa phục hồi nên chị Th được cơ quan giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày (Ví dụ này được trích dẫn từ Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
Như vậy, Trường hợp chị Th được nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày và thời gian nghỉ này được tính cho năm 2016.
Vì vậy nếu bạn thuộc trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Nếu không thuộc trường hợp đó thì bạn phải đáp ứng điều kiện như trên là phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Thứ tám: Thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thai sản và những vấn đề cần lưu ý
Bạn cần hoàn thiện các bước theo trình tự tại mục 4 (Trình tự và các bước giải quyết thủ tục hưởng bảo hiểm thai sản), để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình khi tiến hành thủ tục hưởng thai sản cần đặc biệt lưu ý:
(*) Trong vòng 45 ngày kể từ khi trở lại làm việc bạn cần nộp đầy đủ giấy tờ hồ sơ cho công ty để giải quyết chế độ cho bạn. Đây là quy định pháp lý bắt buộc căn cứ vào căn cứ vào công văn số 1075/BHXH-CSXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 29/03/2016.
Tóm lại, trường hợp người phụ nữ được hưởng chế độ thai sản có thể được hiểu ngắn gọn như sau:
+ Đối với lao động nữ sau khi sinh con (đã nghỉ hết 06 tháng theo chế độ thai sản) mà sức khỏe chưa ổn định thì trong 30 ngày làm việc đầu tiên nếu theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa thì có thể nghỉ thêm từ 5 đến 10 ngày làm việc.
+ Thời gian nghỉ dưỡng sức khác với thời gian nghỉ thai sản là bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết, ngày nghỉ hàng tuần. Trong trường hợp ngày nghỉ dưỡng sức vào cuối năm sang năm mới thì số ngày nghỉ dưỡng sức sau sinh của năm mới sẽ tính cho năm cũ.
Thời gian nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe được áp dụng cho từng trường hợp cụ thể như sau:
- Được nghỉ tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh từ hai con trở lên;
- Được nghỉ tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con bằng phương pháp đẻ mổ, đẻ chỉ huy hoặc phẫu thuật;
- Được nghỉ tối đa 5 ngày đối với các trường hợp khác.
Qua một tình huống cụ thể mà tôi đã trình bày các vấn đề pháp lý liên quan đến chế độ thai sản của người lao động, công chức nữ thì đã phát sinh bao nhiêu là vấn đề cần phải giải quyết. Thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nhận thức được tầm quan trọng của việc am hiểu pháp luật trong cuộc sống hàng ngày là việc làm hết sức cần thiết đối với cán bộ, công chức công tác trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Chính vì vậy mà công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến với mỗi người dân đòi hỏi mổi cán bộ, công chức phát huy hơn nữa tính tự giác họa tập tìm hiểu pháp luật và tạo sự lan tỏa trong xã hội đén người dân, góp phần giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật.