Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ những trường hợp pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó. Khi cá nhân, pháp nhân có yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sư, nếu cá nhân, pháp nhân không tự mình tham gia tố tụng tại Tòa án thì họ có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng, giữa đương sự với người đại diện theo ủy quyền phải xác lập văn bản ủy quyền. Vậy, văn bản ủy quyền này có được lập tại Tòa án nơi đương sự yêu cầu giải quyết vụ án hay không? Trong phạm vi bài này, người viết xin đề cập một số vấn đề về văn bản ủy quyền và địa điểm xác lập văn bản ủy quyền.
Để giải quyết một vụ án dân sự cần có sự tham gia của các đương sự với tư cách tham gia tố tụng khác nhau. Đương sự hoặc người đại diện của đương sự tham gia tố tụng dân sự tại Tòa án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính người đó, cũng như việc làm rõ sự thật của vụ án. Trong thực tiễn có những vụ án dân sự do chính đương sự tham gia hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng tại Tòa án. Tuy nhiên, không phải bất kỳ vụ án dân sự nào, người tham gia tố tụng cũng có quyền ủy quyền cho người khác. Chẳng hạn như đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích là người đại diện.
Văn bản ủy quyền có thể là Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền. Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như Luật Công chứng năm 2006, Luật Công chứng năm 2014 không quy định về hình thức Giấy ủy quyền. Tuy nhiên, trên thực tế Giấy ủy quyền vẫn được sử dụng và cũng được công chức, chứng thực như Hợp đồng ủy quyền. Sự khác biệt giữa hai loại văn bản này như thế nào và cả hai loại văn bản này được xác lập tại đâu? Tại tổ chức hành nghề công chứng, Ủy ban nhân dân hay xác lập tại Tòa án? Đây là những vấn đề cần bàn luận.
Khi giao kết Hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật phải có sự tham gia ký kết của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền; ngược lại, Giấy ủy quyền thì không bắt buộc phải có hai bên xác lập Giấy ủy quyền, việc lập Giấy ủy quyền không đòi hỏi người có tên được ủy quyền phải đồng ý và không buộc người đó phải thực hiện các công việc ghi trong giấy ủy quyền. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nội dung và hình thức của Giấy ủy quyền có sự tham gia ký kết của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. Như vậy, bản chất của giấy ủy quyền này chính là Hợp đồng ủy quyền. Chính vì lẽ đó, nếu sau khi Giấy ủy quyền được lập xong, người có tên được ủy quyền không thực hiện công việc theo Giấy ủy quyền thì bên ủy quyền cũng không có quyền yêu cầu người có tên được ủy quyền phải thực hiện công việc theo giấy ủy quyền, kể cả việc bồi thường thiệt hại.
Về thẩm quyền công chứng, chứng thực Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, chưa có văn bản nào quy định tập trung về các văn bản ủy quyền phải công chứng, chứng thực, mà các văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực hay không sẽ được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Theo Luật công chứng quy định thì Hợp đồng ủy quyền do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, còn Giấy ủy quyền có thể do Ủy ban nhân dân chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền đó. Tuy nhiên, khoản 6 Điều 272 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định: “Việc ủy quyền quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm”. Với quy định này, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ quy định đối với trường hợp kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm thì văn bản ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền được lập tại Tòa án. Trong quá trình giải quyết vụ án nếu các đương sự có mặt tại Tòa án và có yêu cầu Tòa án xác nhận văn bản ủy quyền thì luật không có quy định; như vậy, người ủy quyền phải đến tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân để lập văn bản ủy quyền, quy định này gây khó khăn và phiền hà về thủ tục hành chính.
Trong thực tiễn, nếu đương sự ủy quyền cho người đại diện ủy quyền kháng cáo quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm và văn bản này được lập tại Tòa án thì sau khi Tòa án cấp phúc thẩm xét thấy việc tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm không đúng, cấp phúc thẩm hủy quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung; sau khi hồ sơ vụ án chuyển về cấp sơ thẩm giải quyết lại thì văn bản ủy quyền lập tại Tòa án không còn giá trị pháp lý, vậy đương sự phải tiếp tục đến tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân để lập văn bản ủy quyền cho người đại diện ủy quyền tham gia tố tụng. Như vậy, thủ tục sẽ rườm rà, mất thời gian, chi phí cho đương sự.
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, theo quan điểm của người viết cần có quy định theo hướng: văn bản ủy quyền tham gia tố tụng các vụ án dân sự được lập tại Tòa án hoặc ngoài Tòa án. Nếu văn bản ủy quyền tham gia tố tụng lập tại Tòa án phải có xác nhận của Thẩm phán thụ lý vụ án đó hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Để thực hiện được vấn đề này, cần có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất trong thực tiễn.