Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn một bộ phận người dân, sự tiếp cận, sự hiểu biết pháp luật có phần nào hạn chế do chủ quan hoặc khách quan, đối tượng chính sách cần sự bảo trợ của Nhà nước. Một bộ phận người dân đó là: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 15 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo và các trường hợp khó khăn về kinh tế … (Điều 7 - Luật Trợ giúp pháp lý).
Do vậy, để góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật cho các đối tượng này, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý ra đời thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, cần áp dụng thật chính xác, có hiệu quả nên cần sự phối hợp của các cơ quan tư pháp với cơ quan trợ giúp pháp lý thật chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Chính vì thế, sau khi Luật Trợ giúp pháp lý ra đời có rất nhiều thông tư, nghị định, quy định được ban hành để hướng dẫn chi tiết các điều luật liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan về chính sách trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT- BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10/2018).
Ngày 18/9/2019, VKSND tối cao ban hành Kế hoạch số: 161/KH-VKSTC về việc triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018 (Viết tắt Kế hoạch 161). Tinh thần Kế hoạch 161 là phải phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018 liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong toàn Ngành và đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân các cấp hằng năm. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân phải nâng cao trách nhiệm trong phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nhằm đảm bảo việc trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả.
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ với vai trò là thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý, luôn quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ngành tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức phổ biến, quán triệt đầy đủ, toàn diện nội dung của luật, các quy định dưới luật, đặc biệt là Thông tư liên tịch số 10/2018 và tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Công chức kiểm sát trong hoạt động tố tụng tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa Viện kiểm sát hai cấp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý hoặc chi nhánh của trung tâm, bảo đảm việc trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả. Tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng, bảo đảm các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý trong Thông tư được hưởng các quyền về trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật; kịp thời phát hiện và đề xuất giải pháp, kiến nghị tháo gỡ, xử lý những khó khăn vướng mắc trong công tác trợ giúp pháp lý thông qua việc chủ động kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018 trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tư pháp./.