Án tích có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Án tích đôi khi có ý nghĩa trong việc xác định có tội hay không có tội, việc định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, ảnh hưởng trực tiếp đến việc quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội và nhiều hệ lụy sau này.
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có sự thay đổi đáng kể theo hướng bảo vệ quyền con người. Tuy có sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ nhưng cách diễn đạt của điều luật hơi khó hiểu làm cho người thực thi pháp luật có cách hiểu khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, gây ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải quyết án, có khi không thực hiện được việc bảo vệ quyền con người như tinh thần của Bộ luật HS. Vướng mắc nhất vẫn là chế định “đương nhiên xóa án tích”.
Theo quy định của Bộ luật hình sự cũ thì việc xác định đương nhiên xóa án tích thuộc quyền hạn của Tòa án, nhưng nay theo quy định của Bộ luật hình sự mới việc xác định đương nhiên xóa án tích thuộc quyền hạn của Sở Tư pháp và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp.
Bộ luật hình sự mới quy định đương nhiên xóa án tích với nội dung như sau:
“Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án” .
Do cách diễn đạt hơi khó hiểu như vậy nên rất nhiều người thực thi pháp luật đã có nhận thức khác nhau. Việc xảy ra không chỉ ở địa phương mà có cả ở cơ quan tư pháp Trung ương. Cụ thể nhất là 2 văn bản của Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp, đây là 2 văn bản có ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng pháp luật về xét án tích của các cơ quan tư pháp ở địa phương.
Một là Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao. Tại Mục 10, phần I về hình sự, (giải đáp vướng mắc về đương nhiên xóa án tích). Vướng mắc nêu:
“ Việc áp dụng Điều 70 BLHS năm 2015 về đương nhiên xóa án tích có 2 quan điểm khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính mà không phạm tội trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, còn các hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án họ có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, chỉ cần trước ngày phạm tội mới.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu kể từ ngày chấp hành xong toàn bộ bản án mà không phạm tội mới trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong hai quan điểm trên thì quan điểm nào đúng?
Giải đáp: trong 2 quan điểm trên, quan điểm thứ nhất đúng.”
- Hai là Công văn số 34/TTLLTPQG-TTrC ngày 24/01/2017 của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp V/v hướng dẫn thực hiện đương nhiên xóa án tích. Tại mục 3 của Công văn hướng dẫn như sau: “ Về điều kiện đương nhiên xóa án tích: thực hiện theo khoản 2 và khoản 3 Điều 70 BLHS năm 2015 ( dẫn Điều 70).
Tuy nhiên, trong thực tế, sau thời hạn được quy định trên đây, người bị kết án mới thi hành những nội dung liên quan đến các “ quyết định khác của bản án”như: nộp án phí, bồi thường thiệt hại…thì thời hạn đương nhiên xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong các “ quyết định khác của bản án”.
Với 2 văn bản trên thấy rằng văn bản của Tòa án giải đáp theo hướng qui định mới có lợi cho người phạm tội sát với tinh thần Điều 70 BLHS năm 2015. Còn văn bản của Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia hướng dẫn giống như tinh thần của Điều 64 BLHS năm 1999 “ từ ngày chấp hành xong bản án…”.
Với tinh thần cải cách tư pháp, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 và Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 đã giao cho Sở Tư pháp và Trung tâm Tư pháp quốc gia cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Chế định này hết sức tiến bộ, đã có cơ quan đầu mối xác định án tích của bị can, bị cáo, tránh được trường hợp ba cơ quan tiến hành tố tụng : Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án tự mình xác định án tích của bị can, bị cáo. Đó là điều đáng mừng, nhưng lại hết sức đáng lo bởi sự chồng chéo của 2 văn bản nói trên.
Để có sự nhận thức và áp dụng đúng đắn pháp luật, các cơ quan Tư pháp Trung ương cần có sự phối hợp hướng dẫn thống nhất việc áp dụng pháp luật hoặc đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất./.