Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, việc triển khai công tác giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân quận Cái Răng đẩy mạnh, trong đó công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với mỗi cán bộ, đảng viên qua những câu chuyện về Bác Hồ, được duy trì thường xuyên, nền nếp tại mỗi buổi sinh hoạt của Chi bộ.
Theo Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Sự thật, H, 1984, tập 4, trang 487). Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ “là công việc của Đảng”, phải làm thường xuyên, liên tục như một dòng chảy của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, theo quan điểm: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, Bác Hồ luôn đặt vấn đề này trong mối quan hệ với đường lối cách mạng của Đảng; lấy yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ làm phương hướng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Thông qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ mà đánh giá năng lực, phẩm chất, đạo đức của người cán bộ và chính sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ các cấp lại là một bảo đảm cần thiết cho việc xây dựng, bổ sung và phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì thế, đội ngũ cán bộ có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước và công tác cán bộ giữ vị trí quan trọng trong việc xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ.

Ảnh TL
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm tới công tác tổ chức, kế thừa theo quan điểm và tư tưởng của Hồ Chí Minh về sự phân công nhiệm vụ trong tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát nói riêng đã được nghe nhiều mẫu chuyện về Bác. Trong đó, bài học từ “Sự phân công” thật sự mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc trong thực tiễn công tác tại đơn vị. Từ đó, đã đọng lại trong tư tưởng của mỗi người cán bộ, đảng viên sự nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trên mặt trận tư tưởng và mỗi cương vị, vị trí công tác, khiến chúng ta phải suy ngẫm và hiểu hơn về giá trị bản thân mỗi con người. Câu chuyện có nội dung như sau:
“Trong một lớp học. Bác hỏi:
- Các cô các chú nhiều người đeo đồng hồ ở đây chứ?
- Thưa Bác, có ạ!
Các cô các chú có thấy trên mặt đồng hồ kim giây chạy nhúc nhích suốt ngày đêm, kim phút di chuyển chậm, kim giờ thì rề rề chuyển chỗ, chữ số nằm yên, cái máy nằm trong vỏ đồng hồ, có đúng thế không?
- Dạ, đúng ạ!
- Đó là sự phân công của bộ máy cái đồng hồ. Nếu giả sử các bộ phận ấy xin thay đổi, cái kim giây nói: “Tôi chạy thế này thì mệt quá, cho tôi chạy chậm lại hoặc nghỉ ít lâu”. Mặt số kêu lên: “Đứng mãi một chỗ chán quá cho tôi chạy như kim giây”. Bộ máy lại nói: “Tôi làm nhiều việc mà chả ai biết đến, cho tôi làm mặt số”. Các cô, các chú thử nghĩ xem, nếu ta để các bộ phận đồng hồ làm theo ý muốn riêng của mình thì sẽ thế nào?
Cả lớp vang lên tiếng cười. Có đồng chí nói:
- Thưa Bác, như vậy không còn là đồng hồ nữa ạ!
- Trong công tác cách mạng cũng như vậy, tuỳ theo trình độ và yêu cầu mà Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ. Ví dụ: Bác được Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ làm Chủ tịch nước, đồng chí cảnh vệ lo công tác bảo vệ, đồng chí cấp dưỡng lo nấu ăn, đồng chí văn thư lo việc giấy tờ, mỗi người một việc, như vậy hợp lại mới thành công việc chung. Đó là sự phân công của tổ chức”.
(Trích Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tập II, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, tháng 7/2019)
Một câu chuyện nhỏ nhưng mang giá trị giáo dục sâu sắc về sự phân công và ý thức về tinh thần trách nhiệm của mình trong công việc, sự đoàn kết trong nội bộ, để xây dựng một tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, với những cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhiệt huyết trong công tác. Có thể thấy, mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể không nhìn thấy được nhưng đều có nhiệm vụ chung là làm cho đồng hồ chạy đúng giờ. Đối với cơ quan, đơn vị chúng ta cũng vậy, cũng giống như một chiếc đồng hồ, mỗi cá nhân, mỗi khâu công tác là một bộ phận có sự liên kết, không thể tách rời. Từ một chiếc đồng hồ, Người đã gợi lên trong mỗi người sự nhận thức, bài học về tình đoàn kết trong mỗi đơn vị, tập thể. Đoàn kết để ổn định, đổi mới và sáng tạo, theo lời dạy của Bác “Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Sức mạnh của chúng ta trong công tác đấu tranh tư tưởng là sức mạnh cùng một ý chí, cùng một quyết tâm với tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Trong một tổ chức, đơn vị, mỗi cá nhân đều có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ riêng, mỗi cá nhân có những sở trường riêng và hiệu quả phát huy năng lực chuyên môn khác nhau, dù ở cương vị công tác nào đều là một phần không thể thiếu trong một tổng thể. Chính vì vậy, sự nỗ lực, phấn đấu của cá nhân không thể tách rời với sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung. Và trong Di chúc của Bác, đoàn kết cũng là lời dặn thiết tha của Bác trước lúc đi xa: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đoàn kết chính là tiền đề để cơ quan, đơn vị hoạt động có hiệu quả, tạo động lực để cá nhân phát huy sở trường, hoàn thành nhiệm vụ trên mọi mật trận công tác. Tư tưởng hơn thua, tính toán khi nhận thức về quyền lợi trong thực hiện nhiệm vụ được phân công, có thể dẫn đến tư tưởng lánh nặng tìm nhẹ, quan liêu, cục bộ địa phương,... gây mất đoàn kết trong nội bộ. Từ đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của cả đơn vị.
Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân. Với phương châm đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh làm kim chỉ nam cho hành động, giúp mỗi cán bộ, đảng viên vượt qua những khó khăn, thách thức trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, công tác tự phê bình và phê bình, đây là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần củng cố và nâng cao sự đoàn kết trong nội bộ, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, lợi ích nhóm, với tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ chung mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” , lấy nguyên cớ thành nguyên nhân, gây mất đoàn kết trong nội bộ.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân quận Cái Răng đã nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của việc xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, vì đó là nguồn gốc, là nhân tố quyết định thắng lợi trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, lúc nào, nơi nào tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ được quán triệt và thực hiện đầy đủ, thì khi đó, nơi đó nhiệm vụ chính trị được thực hiện, đạt kết quả cao và ngược lại.

Ảnh TL
Dưới sự tiên phong, gương mẫu của tập thể lãnh đạo đơn vị, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Cấp ủy Chi bộ, tất cả công chức và người lao động đã đoàn kết, nhất trí một lòng, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ trước hết thể hiện qua sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể lãnh đạo đơn vị. Chính sự đoàn kết trong tập thể lãnh đạo là nền tảng, hạt nhân để lan tỏa tinh thần xây dựng mối đoàn kết, gắn bó mỗi công chức và người lao động với nhau. Để có được sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất cao về ý chí và hành động trong tập thể, trước hết nhờ vào người đứng đầu đơn vị đã đảm bảo cơ chế quản lý điều hành phù hợp, luôn có sự thống nhất về ý chí, hành động và mục tiêu chung; thường xuyên tạo sự phối hợp hỗ trợ nhau giữa mỗi công chức và người lao động trong các lĩnh vực công tác giúp hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn chung của đơn vị, tích cực thực hiện lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lãnh đạo đơn vị Chi bộ đã không ngừng hoàn thiện mình để trở thành thủ lĩnh của tổ chức; xây dựng tốt các mối quan hệ phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cơ quan ban ngành; nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, sở trường công tác của từng đảng viên và người lao động từ đó phân công công việc hợp lý để phát huy hết năng lực, sở trường công tác; trong các buổi họp, sinh hoạt Chi bộ, sinh hoạt chuyên đề...tạo không khí gần gũi, ấm áp, vui vẻ, cởi mở; luôn đi đầu gương mẫu trong mọi lĩnh vực và là trung tâm gắn kết từng công chức và người lao động với nhau, tạo nên một khối đoàn kết vững mạnh với tinh thần cống hiến, nhiệt huyết yêu Ngành, yêu nghề, góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao nhất là trong tình hình mới hiện nay./.
Nguyễn Thị Thùy Vân
VKSND quận Cái Răng