Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức sáng ngời của Người sống mãi trong lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam.
Tư tưởng đạo đức của Người là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống của dân tộc Việt Nam với những giá trị của nhân loại trong suốt hành trình tìm đường cứu nước và quá trình là người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bao trùm lên tất cả là sự yêu thương, chia sẻ và sự cảm thông sâu sắc đối với con người. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác là minh chứng sống động cho đức khiêm tốn, giản dị của Người thể hiện qua nhiều câu chuyện mà những người may mắn được sống và làm việc bên cạnh Người kể lại. Đó là những câu chuyện đời thường từ nếp sống rất đỗi giản dị, gần gũi của Bác nhưng chứa đựng ý nghĩa thật lớn lao, cùng với những bài học quý giá đã đi sâu vào lòng người của biết bao thế hệ…Những lời dạy của Bác đều nhẹ nhàng, thân tình, không có khoảng cách trên dưới, bởi thế những điều Bác nói như những lời gợi mở, khuyên nhủ chân tình và mọi người kính trọng làm theo và mẫu chuyện nhỏ “Ba chiếc ba lô” sẽ cho chúng ta càng thêm hiểu sâu sắc và trân quý những tính đức tốt đẹp của Bác.
Mẩu chuyện có nội dung như sau:
Trong những ngày sống ở Việt Bắc, mỗi lần Bác đi công tác, có hai đồng chí đi cùng. Vì sợ Bác mệt, nên hai đồng chí định mang hộ ba lô cho Bác, nhưng Bác nói:
- Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân ra mỗi người mang một ít.
Khi mọi thứ đã được phân ra cho vào 3 ba lô rồi, Bác còn hỏi thêm:
- Các chú đã chia đều rồi chứ?
Hai đồng chí trả lời:
- Thưa Bác, rồi ạ.
Ba người lên đường, qua một chặng, mọi người dừng chân, Bác đến chỗ đồng chí bên cạnh, xách chiếc ba lô lên.
- Tại sao ba lô của chú nặng mà Bác lại nhẹ?
Sau đó, Bác mở cả 3 chiếc ba lô ra xem thì thấy ba lô của Bác nhẹ nhất, chỉ có chăn, màn. Bác không đồng ý và nói:
- Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.
Hai đồng chí kia lại phải san đều các thứ vào 3 chiếc ba lô.
Ảnh: Bác Hồ đi công tác ở chiến khu Việt Bắc (TL)
Qua mẩu chuyện trên, chúng ta rút ra bài học quý giá, một ý nghĩa vô cùng to lớn về tinh thần tương thân tương ái, giá trị của tinh thần đoàn kết. Dù ở cương vị lãnh đạo, nhưng Bác đã xem mình như mọi người, không muốn hưởng những đặc quyền riêng, luôn chia sẽ công việc khó khăn với mọi người và xem đó như một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Qua câu chuyện, chúng ta nhận rõ sự chan hòa, thân ái, bình đẳng của Người đối với cấp dưới, đồng thời để lại một bài học quý báu về tinh thần hăng hái, tự giác trong lao động. Không những thế Bác còn răn dạy rằng lao động là vinh quang và hạnh phúc, dù bất kể ai, người nào, cũng phải lao động mới được hưởng thành quả.
Đây là một bài học quý báu của Bác mà mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần luôn ghi nhớ, học tập và noi theo. Cả cuộc đời vì dân, vì nước, Bác là một tấm gương sáng ngời không chỉ cho dân tộc ta, cho nhân loại, cho hôm nay, mai sau và mãi mãi./.
Người viết: Văn Hường, Chi bộ 6
Nguồn: Trích trong “117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, 2007, tr.195
Nguồn: Trích trong “117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, 2007, tr.195