Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân ta học tập và nôi theo. Người từng viết “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân”. Do đó việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng của người đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, là nhân tố quan trọng góp phần vào thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, việc rèn luyện đạo đức cách mạng theo chỉ dẫn của Người chính là góp phần vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi đảng viên, cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh gồm nhiều yếu tố như: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.
- Trung với nước, hiếu với dân là trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, luôn đặt lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết và quyết tâm đấu tranh cho sự phồn vinh của đất nước, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Hiếu với dân đó là phải tôn trọng, yêu kính nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, khẳng định sức mạnn to lớn của nhân dân và phải coi dân là gốc, nền tảng của sự nghiệp cách mạng.
- Yêu thương con người, theo Hồ Chí Minh, người cách mạng phải biết yêu thương những người bị áp bức, bóc lột, những người cùng khổ, yêu thương đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp,… Người từng viết “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Theo Hồ Chí Minh, “Cần” là phải lao động cần cù, siêng năng, sáng tạo, năng suất, hiệu quả cao, không được lười biếng; “Kiệm” là phải tiết kiệm sức lao động, thì giờ, tài sản, tiền bạc của dân, của nước, của bản thân mình, không xa xỉ, phô trương, hình thức; “Liêm” đó là cần phải luôn tôn trọng giữ gìn của công, không tham địa vị, tiền tài, danh vọng; “Chính” là không tà, thẳng thắn, đúng đắn, chân thành, khiêm tốn, không tự cao, tự đại, không dối trá, lừa lọc; việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh; “Chí công vô tư” là phải đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của Tổ quốc và của nhân dân lên trên lợi ích của bản thân; lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.
Có thể nói “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” có mối quan hệ mật thiết, khăng khít với nhau, tạo nên sự thống nhất trong phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Về thực chất, chí công vô tư là nối tiếp cần, kiệm, liêm, chính. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư và ngược lại.
-Tinh thần quốc tế trong sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Đó là cơ sở bền vững để xây dựng tình cảm cách mạng trong sáng, thuỷ chung giữa các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, vì nền độc lập của mỗi quốc gia dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của mỗi con người.
Đó là những điều Bác Hồ dạy đối với người cán bộ cách mạng, riêng cán bộ Kiểm sát ngoài những yêu cầu chung về đạo đức cách mạng, Bác yêu cầu người cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong giai đoạn đất nước đổi mới để phát triển thì yếu tố con người là quan trọng, đặc biệt là đội ngủ cán bộ đảng viên phải vừa hồng, vừa chuyên, có đạo đức cách mạng, đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Do đó cần phát huy, tuyên truyền, rèn luyện tốt hơn nữa về đạo đức cách mạng đối với mỗi người đảng viên.
Để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế và góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Đẩy mạnh việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên, nâng cao đạo đức cách mạng bằng giáo dục, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên nhằm chuyển từ ý thức đạo đức sang hành động đạo đức, không chỉ với nỗ lực tự giác, trách nhiệm của từng người mà còn phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, của những người lãnh đạo. Đạo đức đó đối lập với chủ nghĩa cá nhân, cho nên muốn xây dựng đạo đức cách mạng thì phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Cần thường xuyên lồng ghép, đưa nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng bằng nhiều hình thức vào các cuộc họp chi bộ hàng tháng.
Thứ hai, Phát huy hơn nữa tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý, người đứng đầu. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập; phải luôn có ý thức trau dồi đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải thật sự mẫu mực về đạo đức, lối sống, thẳng thắn, chân thành để đồng chí, đồng nghiệp học tập và làm theo. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, quản lý cần phải nêu gương trong việc tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Thứ ba, Nghiêm túc thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để nâng cao đạo đức cách mạng, mỗi đảng viên phải có thái độ học tập và làm theo Bác một cách nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao; thực hiện có hiệu quả và đẩy mạnh nhân rộng các mô hình, các việc làm thiết thực, ý nghĩa, điển hình, từ đó tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kết hợp với đấu tranh thường xuyên, kiên quyết với các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng.
Thứ tư, Thực hiện nghiêm nguyên tắc nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong công tác và cuộc sống. Mỗi đảng viên cần phát huy tốt nhất vai trò của mình, thực hiện đúng nguyên tắc, đề cao tự phê bình và phê bình, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trước hết là những cán bộ chủ chốt, đứng đầu. Đây là vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Chỉ có đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế từ đó mới có những biện pháp quản lý, giáo dục, rèn luyện, phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thứ năm, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những chi bộ, đảng viên gương mẫu, có thành tích xuất sắc; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng pháp luật đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, hoặc có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng.
Đạo đức cách mạng là nền tảng căn bản, là gốc của người cán bộ, đảng viên, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Là cơ sở để quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên và là nhân tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên có tri thức, trí tuệ; có hiểu biết về tự nhiên, xã hội, có ý thức chính trị cao thì sẽ có hành vi chính trị đúng đắn và lối sống chuẩn mực. Cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng tốt là người luôn kiên định với mục tiêu, con đường đã lựa chọn, luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết.
Là một đảng viên, việc tu dưỡng đạo đức cách mạng là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong mỗi người. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang trở thành phong trào được phát triển rộng rãi trong Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ nói chung và Chi bộ 5 nói riêng. Mỗi đảng viên cần phải ra sức rèn luyện, học tập và tu dưỡng theo tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất cách mạng, xứng đáng với mười chữ vàng mà Bác đã tặng cho ngành Kiểm sát nhân dân: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trong, kiêm tốn”./.
Nguyễn Ngọc Lượm