Kỷ niệm sinh nhật Bác lần đầu tiên ( Ngày 19/5/1946)
Mỗi dịp tháng 5 về ngào ngạt hương sen cũng là dịp mà toàn Đảng; toàn Quân và dân ta kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5. Trong tim mỗi chúng ta luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả khi hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - trái tim của cả nước với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính. Sau đây, tôi xin kể về mẫu chuyện: Kỷ niệm sinh nhật Bác lần đầu tiên: được trích trong cuốn Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử - 10 tập- NXBCTQG, năm 2008.
Năm 1946 là kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ lần đầu tiên. Ngay từ sáng sớm, các đồng chí trong Thường vụ và trong Chính phủ đã tới chúc mừng sinh nhật Bác. Sau đó, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cháu nhi đồng Tháng Tám, mũ ca-lô đội lệch, súng gỗ vác trên vai, kéo sang Bắc Bộ phủ. Bác Hồ cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Võ Nguyên Giáp vẫy tay chào các cháu. Bác đề nghị mở cửa Bắc Bộ phủ cho các cháu vào.
Trong các em thiếu nhi đến chúc mừng sinh nhật Bác hôm ấy, có em hằng ngày vẫn phải đi bán báo, có em là trẻ mồ côi ở trường trẻ mồ côi Hàng Bột. Các em đua nhau gắn huy hiệu măng mọc thẳng lên áo Bác, tặng Bác những chữ "i", "t" tượng trưng cho phong trào bình dân học vụ, những tập sách nhỏ in điều lệ và bài hát của Hội Nhi đồng cứu quốc.
Quà của Bác Hồ cho các cháu bé là một cây bách tán với lời gửi gắm: "Mai sau cái cây này sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!".
Các em thiếu nhi vui mừng hát một bài cảm ơn Bác. Khi các em vừa khênh chậu cây bách tán ra thì một đoàn hơn 50 anh, chị là những người thay mặt cho miền Nam đang chiến đấu tới chúc mừng sinh nhật Bác.
Trong phái đoàn có chị Nguyễn Thị Định, người sau này trở thành một nữ tướng, người đại diện cho truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam. Chị kể lại trong hồi ký rằng, Bác đã xúc động nói: "Tôi xin cảm ơn các cô, các chú Nam Bộ. Thật ra các báo ở Thủ đô trong dịp này đã làm to ngày sinh của tôi. Hiện nay nước ta đang có nhiều khó khăn". Câu tiếp theo, giọng Bác càng xúc động hơn: "Các cô, các chú về báo cáo với nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào Nam Bộ".
Cũng trong buổi sáng ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số đoàn thể đến chúc mừng sinh nhật Người, trong đó có đại diện của Tổng hội Công chức và Hội đồng Kiến thiết quốc gia; Ban vận động Trung ương Đời sống mới. Lực lượng Thanh niên Thủ đô thì tổ chức tuần hành mừng sinh nhật Bác Hồ.
Xúc động trước tình cảm của đồng bào, đồng chí, Bác nói: "… Chỉ vì nhà báo nào biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm bận rộn đến đồng bào. Từ trước tới nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc… Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi".
Chỉ qua một mẫu chuyện nhỏ về việc mọi người kỉ niệm sinh nhật Bác nhưng đọng lại cho chúng ta hôm nay một bài học sâu sắc. Bác luôn là một con người giản dị, tiết kiệm, luôn luôn sống và nghĩ vì dân vì nước chứ không vì một mục đích riêng nào. Tiết kiệm theo Bác là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, nhưng cũng “không phải là bủn xỉn, tiết kiệm không phải ép nhịn ăn, nhịn mặc mà chi tiêu ở những việc cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh”.
Với tư cách cán bộ, đảng viên của ngành Kiểm sát nhân dân, mỗi chúng ta hãy luôn học tập và làm theo lời dạy của Bác, nêu cao và thực hiện việc tiết kiệm, đấu tranh chống lại lối sống tham ô lãng phí. Tiết kiệm không phải là những chuyện xa xôi mà đó chính là những hành động, việc làm hàng ngày như tiết kiệm điện nước, giấy, mực,... Mỗi đồ dùng được sử dụng hàng ngày đều nên tiết kiệm, sử dụng ở mức độ hợp lý. Tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm của cải vật chất mà còn tiết kiệm thời gian, sức lực. Học tập tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ chính là học tập để tiết kiệm có thể trở thành một thói quen hàng ngày.
Vì vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ và đời sống hàng ngày càng là vô cùng cần thiết và cần phải được thực hiện thường xuyên.
Bích Thủy
Chi bộ 7