Tháng 02/1911, người thanh niên tên Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Cũng trong thời gian này, Người đã gặp được anh Lê và trở thành đôi bạn thân thiết.
Một hôm, khi đi dạo khắp thành phố Sài Gòn, Bác đột nhiên hỏi bạn: “Anh Lê, anh có yêu nước không?”. Anh Lê ngạc nhiên và đáp: “Tất nhiên là có chứ!”. Anh Ba (bí danh của Nguyễn Tất Thành) hỏi tiếp: “Anh có thể giữ bí mật không?”. Người bạn đáp: “Có.” Anh Ba nói tiếp: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví như đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?”. Anh Lê trả lời: “Nhưng bạn ơi! Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?”
“Đây, tiền đây! - anh Ba vừa nói vừa giơ hai bàn tay. Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ?”. Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của Bác, anh Lê đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, anh Lê không đủ can đảm và giữ lời hứa đó nữa.
Ngày 02/6/1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Đô đốc mang tên Amiran Latusơ Tơrêvin của hãng Năm sao đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Mác-xây, Pháp. Lúc tàu cập cảng Sài Gòn, anh Thành xuống tàu và gặp thuyền trưởng Lui Edu a Maisen. Thuyền trưởng hỏi rằng: “Anh có thể làm được việc gì?” Tất Thành trả lời: “Tôi có thể làm bất cứ công việc gì!”. Sau đó thuyền trưởng nhận Thành vào làm phụ bếp.
Ngày 03/6/1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba.
Ngày 05/6/1911, tàu Đô đốc Amiran Latusơ Tơrêvin nhổ neo rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Mác-xây (Pháp), mang theo người thanh niên Việt Nam 21 tuổi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc bắt đầu cuộc hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước để đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Không tiền bạc, không bạn bè người thân, hành trang theo Người lên tàu ra nước ngoài chỉ có tấm lòng yêu nước, thương dân tha thiết cùng ý chí và nghị lực mạnh mẽ, người thanh niên ấy đã dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vào hành trình thực hiện khát vọng, quyết tâm giải phóng cho dân tộc.
Thông qua câu chuyện có thể rút ra được nhiều bài học chân quý để mỗi cán bộ, đảng viên học tập, làm theo Bác. Trong cuộc sống mỗi người cần xác định cho mình một lý tưởng cao đẹp, bên cạnh việc lo cho bản thân và gia đình còn phải có mong muốn được cống hiến cho xã hội, quê hương, đất nước; trong lao động sản xuất phải tự lực tự cường là chủ yếu, luôn có ý chí, nghị lực, quyết tâm cao, đặt ra mục tiêu lớn, khát vọng vươn lên để vượt qua những khó khăn, thử thách; trong công việc, phải kiên trì làm từ những việc nhỏ, đến việc lớn, từ những việc đơn giản đến phức tạp. Sống luôn cầu tiến bộ, vươn lên bằng ý chí, bằng đôi bàn tay hăng say lao động thì mọi việc mới thành công./.
Lê Hồng Trang, Chi bộ 5