“Tháng thanh niên” - ngày hội lớn để mỗi đoàn viên, thanh niên ôn lại truyền thống vẻ vang của tổ chức Đoàn. Bài viết khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, tinh thần phấn đấu của đoàn viên, đồng thời ôn lại lịch sử ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025).
Ngay từ năm 1924, tại Đại hội Quốc tế TNCS lần thứ IV, đồng chí Nguyễn Ái Quốc với tư cách là người đại diện ưu tú của các dân tộc bị áp bức đã đề nghị với Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản thành lập “Nhóm châu Á” tại trường Đại học Phương Đông nhằm tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội nghiên cứu tình hình, đặc điểm các nước thuộc địa. Trước đó, năm 1923, một số thanh niên ưu tú đã đứng ra thành lập tổ chức với tên gọi Tâm Tâm Xã, còn gọi là Tân Việt Thanh niên Đoàn với mục đích "Liên hiệp những người có tri thức trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái; miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam". Để gây tiếng vang, tổ chức Tâm Tâm Xã đã phân công Phạm Hồng Thái ném bom nhằm mưu sát Toàn quyền Merlin khi ông ta đi công tác đến Sa Diện, Quảng Châu, Trung Quốc. Vụ mưu sát bất thành và người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái đã hy sinh. Tiếng bom Sa Diện đã thức tỉnh và thúc giục nhiều thanh niên còn đang “mơ ngủ” trước vận nước. Đánh giá về sự kiện này, Nguyễn Ái Quốc cho rằng: “Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én báo hiệu mùa Xuân”. Tuy đánh giá cao hành động anh hùng của Phạm Hồng Thái và nhóm Tâm Tâm Xã, song Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót trong nhận thức của nhóm này. Vì vậy, năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức lớp bồi dưỡng cho một số thanh niên tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Tháng 6/1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chính thức tuyên bố thành lập tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đây không chỉ là tổ chức tiền thân của Đoàn mà còn là tổ chức tiền thân của ĐCS Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội đã tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng thanh niên trong nước. Sau này, rất nhiều những nhà cách mạng nổi tiếng, chủ chốt của Việt Nam đều đã từng tham gia các lớp huấn luyện này. Một sự kiện ghi dấu ấn đặc biệt là tổ chức này đã phát hành số báo đầu tiên ngày 21/6/1925 lấy tên là Thanh Niên để làm cơ quan ngôn luận của Hội. Sau này, ngày 21/6 hàng năm đã được lấy làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chính thức mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Cách mạng Việt Nam.
Mùa xuân năm 1931, dưới bầu nhiệt huyết sôi sục quyết tâm của tuổi trẻ cả nước, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã ra đời dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, Đảng Cộng sản Đông Dương; bằng quá trình bồi dưỡng, đào tạo của Nguyễn Ái Quốc, tổ chức cơ sở Đoàn ở nước ta “từ bắt đầu hiếm hoi” với một nhóm nhỏ 8 thiếu niên do Bác Hồ trực tiếp chăm sóc dìu dắt, sau 5 năm đã phát triển và trưởng thành vượt bậc. Lúc này, trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam của nước ta đã xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với hơn 1.500 đoàn viên.
Thể theo nguyện vọng và đề nghị của tuổi trẻ cả nước, của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, được sự đồng ý của Bộ chính trị và Bác Hồ kính yêu, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh Niên Lao động Việt Nam (họp từ ngày 22 đến ngày 25/3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là Ngày thành lập Đoàn. Từ đó, ngày 26/3 hàng năm trở thành Ngày kỷ niệm, tôn vinh truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh; tháng 3 trở thành tháng của thanh niên, tháng của tuổi trẻ, là thời điểm mọi thanh niên trên khắp nẻo đường Tổ quốc coi là “ngày hội” của chính mình.
Kể từ khi ra đời, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã hòa mình vào các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và đã đóng góp to lớn đối với đất nước và dân tộc. Những đoàn viên đã tham gia tích các phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, Phong trào Dân chủ 1936 - 1939 và đặc biệt là cao trào cách mạng 1939 - 1945. Đội Du kích Bắc Sơn, tiền thân của Cứu quốc quân có sự tham gia của 30 chiến sỹ là những đảng viên trẻ và đoàn viên.

Đoàn Thanh niên Cứu quốc 1956 tại Hà Nội. TL
Sau ngày đất nước thống nhất, nhất là từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới do ĐCS Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, biết bao lớp thanh niên ưu tú đã tiếp tục có những đóng góp lớn cho sự tiến bộ của xã hội và sự phát triển của đất nước. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Các phong trào tiêu biểu có thể kể tới, đó là: “Thanh niên lập nghiệp”; “Tuổi trẻ giữ nước”; “Tuổi trẻ thi đua tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”v.v…Các phong trào tiêu biểu này đã động viên hàng triệu đoàn viên thanh niên tham gia, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động, chiến đấu, học tập, xây dựng đất nước. Trong cuộc chống dịch COVID-19, đã có biết bao những thầy thuốc trẻ, những chiến sỹ quân đội, biên phòng, công an đã và đang đứng nơi tuyến đầu chống dịch v.v…
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) là dịp ý nghĩa để khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên, tạo phong trào thi đua sôi nổi để đất nước và dân tộc đi tới tương lai tươi sang, với sự nỗ lực và vào cuộc có trách nhiệm của mỗi thanh niên, của mỗi tổ chức Đoàn, tổ chức Đảng và của cả hệ thống chính trị./.
Thảo Uyên
Chi đoàn VKSND TP Cần Thơ