Trong giới hạn của bài viết, người viết chỉ nói đến một phần của khoản 10 “phong tỏa tài sản ở nơi gởi giữ” quy định cụ thể tại Điều 125 và khoản 11 “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” quy định cụ thể ở Điều 126 Bộ luật tố tụng dân sự, khi đương sự yêu cầu Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ” hay “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ”.
Cụ thể vụ việc Ông Trần Văn H có vay của ông Nguyễn Văn K số tiền là 1.000.000.000 đồng (1 tỷ đồng) có làm hợp đồng, có công chứng, thời hạn là 01 năm, đến hạn ông H không có thiện chí trả số tiền này dù ông K đã nhiều lần yêu cầu ông H trả. Qua nhiều nguồn tin khác nhau, ông K biết được công ty TNHH VA có có ký kết hợp đồng san lấp mặt bằng với ông H, theo hợp đồng khi nào ông H san lấp mặt bằng xong, công ty nghiệm thu xong thì công ty TNHH VA sẽ thanh toán hợp đồng là trả cho ông H 1.000.000.000 đồng (1 tỷ đồng). Khi ông K biết được thì công ty TNHH VA đã nghiệm thu xong nhưng chưa trả tiền cho ông H.
Ông K làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền và đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không biết yêu cầu theo Điều 125 “phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ” hay theo Điều 126 “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ”. Trong trường hợp này theo yêu cầu của ông K, Tòa án có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 125 hoặc theo Điều 126 có được không?
+ Nếu Tòa án áp dụng theo Điều 125 phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án, trong trường hợp này mặc dù công ty TNHH VA chưa trả số tiền cho ông H nhưng công ty TNHH VA cũng không phải là nơi gửi giữ tài sản của ông H.
Bởi vì giữa công ty TNHH VA và ông H vẫn đang tồn tại một hợp đồng chưa kết thúc hai bên có thể xảy ra tranh chấp bất cứ lúc nào, nếu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp thạm thời này thì khi công ty TNHH và ông A có phát sinh tranh chấp hợp đồng san lấp thì quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời của Tòa án sẽ không còn giá trị.
+ Nếu Tòa án áp dụng theo Điều 126 phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án, trong trường hợp này Tòa án vẫn chưa có bản án về việc ông H phải có nghĩa vụ trả cho ông K số tiền là 1 tỷ nên áp dụng là chưa phù hợp.