Thực tiễn qua công tác kiểm sát cho thấy giao dịch không tuân thủ về mặt hình thức xảy ra rất nhiều, rất đa dạng, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai nhất là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất. Nói về vấn đề này, trước hết là do nhận thức của một bộ phận người dân về pháp luật dân sự bị hạn chế. Cho nên, Bộ luật dân sự năm 2005 đã quy định kéo dài thêm một thời hạn nhất định để các bên tự khắc phục, sửa chữa những thiếu sót về mặt hình thức để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên có thiện chí. Quy định này thể hiện sự tôn trọng tự do ý chí của chủ thể, góp phần hạn chế trong việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, tuy nhiên, quy định này vẫn chưa mang tính đột phá trong cách giải quyết vấn đề này. Bởi thực tế Tòa án đã tuyên rất nhiều vụ án giao dịch dân sự bị vô hiệu do không tuân thủ về mặt hình thức khi các bên vi phạm mà việc kéo dài thời hạn để các bên khắc phục sửa chữa không thực hiện được.
Và Bộ luật dân sự năm 2015 đã bổ sung những quy định mới nhằm bảo vệ tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn, ổn định hơn trong giao dịch dân sự đối với các bên có liên quan và hạn chế việc không thiện chí của một bên trong việc lợi dụng việc không tuân thủ quy định về hình thức. Theo đó, trên có cơ sở kế thừa của Bộ luật dân sự năm 2005 thì Bộ luật dân sự năm 2015 còn cho Tòa án được quyền công nhận giao dịch dân sự không tuân thủ về mặt hình thức có thể được công nhận hiệu lực theo Điều 129 trong trường hợp sau:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Theo quy định này thì có hai trường hợp giao dịch được coi là không tuân thủ về mặt hình thức: một là văn bản giao dịch không đúng quy định của pháp luật, hai là văn bản giao dịch vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực.
Ở đây, cần xác định rõ thế nào là giao dịch bằng văn bản nhưng văn bản đó không đúng quy định của luật, và việc xác định cho chính xác một bên hoặc các bên đã thực hiện hai phần ba nghĩa vụ sẽ gặp khó khăn trong thực tiễn giải quyết khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Đây là quy định mới, tiến bộ của Bộ luật dân sự năm 2015 về giao dịch dân sự không tuân thủ về hình thức, tuy nhiên, để thống nhất trong việc giải quyết án thì cần phải có văn bản hướng dẫn về cụm từ “văn bản không tuân thủ đúng quy định của pháp luật” và cụm từ “hai phần ba nghĩa vụ”.