Ngày 01/12/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V bắt khẩn cấp Nguyễn Văn A có hành vi vận chuyển trái phép lá cây cần sa đồng thời tiến hành niêm phong vật chứng trên.
Tuy nhiên, khi thực hiện việc niêm phong, Điều tra viên không nêu rõ số lượng, khối lượng lá cây cần sa thu giữ vì cho rằng Điều 75 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định về thu thập và bảo quản vật chứng thì Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Bộ luật này không quy định phải ghi rõ số lượng, khối lượng của vật chứng được niêm phong. Đồng thời việc niêm phong có nêu rõ khối lượng là 10 kilôgam nhưng nếu đến giai đoạn giám định chỉ còn 9,5 kilôgam thì việc xác định khối lượng ban đầu của cơ quan điều tra là không phù hợp và cơ quan điều tra sẽ không chịu trách nhiệm về trường hợp này. Đồng thời tại điểm b Tiểu mục 1.4 Mục 1 Phần II Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/ 2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự quy định (mặc dù Thông tư này đã hết hiệu lực) thì trong trường hợp vật chứng, tài sản được bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án chỉ nhận khi có kết luận giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng, tài sản trong gói niêm phong đó của cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, việc niêm phong vật chứng chỉ cần ghi số lượng, chủng loại, chất lượng mà không cần ghi rõ khối lượng của vật thu giữ.
Quan điểm khác cho rằng, Thông tư 06/2007 nói trên là áp dụng cho hình thức niêm phong vật chứng bằng gói, còn đối với việc niêm phong khác thì phải ghi rõ số lượng, khối lượng nhằm đảm bảo việc thu thập vật chứng được chính xác, đầy đủ. Mặc dù Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 không quy định việc niêm phong phải ghi rõ khối lượng, tuy nhiên, áp dụng tương tự quy định tại Thông tư liên tịch số 03-TT/LB ngày 23/4/1984 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính quy định chế độ thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng và tài sản tạm giữ trong các vụ án hình sự thì vật chứng phải được cơ quan điều tra thu giữ đầy đủ và kịp thời. Khi khám xét thu giữ vật chứng phải theo đúng thẩm quyền và thủ tục pháp luật quy định. Các vật chứng phát hiện được, thứ gì cần chụp ảnh thì phải chụp ảnh. Biên bản khám xét thu giữ vật chứng phải ghi rõ từng thứ vật chứng phát hiện được về: vị trí, số lượng, trọng lượng, phẩm chất, kích thước, mẫu sắc…
Đồng thời, áp dụng tương tự tại Điều 12 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thì khi tiếp nhận tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản thực hiện các bước sau đây: 1. Kiểm tra quyết định tạm giữ, tịch thu, biên bản tạm giữ, tịch thu và những giấy tờ khác có liên quan. 2. So sánh, đối chiếu tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu với biên bản tạm giữ, tịch thu và bản thống kê về tên hàng hóa, số lượng, chất lượng, khối lượng, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ; tình trạng niêm phong (nếu có)...
Bên cạnh đó, Điều 18 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì việc tạm giữ tài sản, giấy tờ để thi hành án được quy định như sau: Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải ghi rõ tên người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ; loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ; số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ.
Mặt khác, Điều 90 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về bảo quản vật chứng, vật chứng cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay sau khi thu thập. Việc niêm phong, mở niêm phong được lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Và vì vậy Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng sẽ phù hợp những Nghị định đã được ban hành trước đó và phù hợp với xu hướng xây dựng các văn bản luật đồng bộ, chặt chẽ như hiện nay.
Từ các quan điểm trên, nhận thấy cần phải có văn bản hướng dẫn về vấn đề này giúp cho việc thi hành pháp luật được thống nhất cũng như góp phần cho việc giải quyết các vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác hơn.