Tuy nhiên, Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực từ ngày 01/7/2008, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài. Trong các hoạt động tương trợ tư pháp trên thì tương trợ tư pháp về hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm đầu mối trong việc thực hiện. Cụ thể, tại Điều 64 Luật Tương trợ tư pháp quy định Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm ‘‘Tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các ủy thác tư pháp về hình sự; xem xét, quyết định việc thực hiện và yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân hoặc cơ quan điều tra có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự; từ chối hoặc hoãn thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự theo thẩm quyền; Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp theo thẩm quyền; Hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự.
Như vậy, trong các giai đoạn tố tụng của vụ án hình sự (kể cả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố), khi cần tương trợ tư pháp về hình sự một trong các nội dung quy định tại Điều 17 Luật Tương trợ tư pháp gồm: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về hình sự; Triệu tập người làm chứng, người giám định; Thu thập, cung cấp chứng cứ; Truy cứu trách nhiệm hình sự; Trao đổi thông tin; Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về hình sự, thì các cơ quan tiến hành tố tụng lập hồ sơ ủy thác tư pháp yêu cầu quốc gia có liên quan tương trợ tư pháp. Nếu giữa Việt Nam và quốc gia cần tương trợ tư pháp chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự thì áp dụng nguyên tắc có đi có lại và quy định của luật Tương trợ tư pháp 2007; Nếu giữa Việt Nam và quốc gia cần tương trợ tư pháp đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự thì áp dụng Hiệp định tương trợ tư pháp đã được ký kết, thông qua và quy định của Luật Tương trợ tư pháp 2007. Yêu cầu tương trợ tư pháp và các tài liệu đính kèm sẽ được dịch sang ngôn ngữ của quốc gia được yêu cầu.
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi thụ lý vụ án có nhu cầu tương trợ tư pháp tiếp nhận các yêu cầu tương trợ tư pháp từ các cơ quan tiến hành tố tụng, tổng hợp gửi về Vụ hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về Hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, để gửi đến cơ quan tư pháp của quốc gia cần tương trợ tư pháp về hình sự.
Các cơ quan tiến hành tố tụng cần tuân thủ các quy định trên để giải quyết vụ án hình sự có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự được thực hiện một cách đúng đắn nhất./.