Việc sử dụng lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra khi hồ sơ vụ án đã chuyển sang Viện kiểm sát
03/01/2017
Đăng bởi: VKSND TP Cần Thơ
Lượt xem: 4097
Nội dung này được quy định tại Tiểu mục 16.2 mục 16 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07 tháng 9 năm 2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng về mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003. Cụ thể, ngay sau khi nhận hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải kiểm tra thời hạn tạm giam bị can để báo cáo Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát quyết định như sau:
a. Nếu thời hạn tạm giam còn và bằng hoặc dài hơn thời hạn truy tố đối với từng tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 166 của BLTTHS và xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị can thì Viện kiểm sát sử dụng lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra mà không cần ra lệnh tạm giam mới.
b. Nếu thời hạn tạm giam còn nhưng không đủ để hoàn thành việc truy tố thì trước khi hết hạn tạm giam 05 ngày, Kiểm sát viên phải báo cáo để Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát ra lệnh tạm giam mới. Thời hạn tạm giam mới được tính theo ngày tạm giam cuối cùng ghi trong lịch tạm giam của Cơ quan điều tra và không được quá thời hạn truy tố đối với từng tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 166 của BLTTHS.
Quy định này là nhằm giảm bớt thủ tục tố tụng mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người bị tạm giam,… Do đó, trên cơ sở phát triển những thuận lợi từ quy định này, một vấn đề đặt ra đó là trường hợp bị can sẽ bị tạm giam theo lệnh tạm giam của Viện kiểm sát đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiệm trọng là 30 ngày nhưng thời hạn tạm giam khi nhận hồ sơ chỉ còn lại 28 ngày thì có được xem là tuy không bằng hoặc không dài hơn thời hạn truy tố nhưng đủ để Kiểm sát viên hoàn thành cáo trạng thì không nhất thiết phải ban hành lệnh tạm giam mới? Bởi Điểm b của Tiểu mục này nói rằng “thời hạn tạm giam còn nhưng không đủ để hoàn thành việc truy tố” có thể được hiểu là không đủ thời gian so với việc hoàn thành cáo trạng chứ không đồng nhất với việc phải bằng hoặc dài hơn thời hạn truy tố như đã nêu ở điểm a trên.
Thực tiễn áp dụng cho thấy, Kiểm sát viên có thể linh hoạt và chủ động hoàn thành cáo trạng trong thời gian này (ít hơn 30 ngày) và chuyển hồ sơ sang tòa án để xét xử kịp thời mà không cần thiết đề xuất ra lệnh tạm giam, điều đó có thể tiết kiệm được thời gian hơn và những chi phí khác vì thực tế có rất nhiều trường hợp Viện kiểm sát vừa ra lệnh tạm giam (để soạn thảo cáo trạng) thì trong thời gian không lâu đã ban hành xong cáo trạng và như vậy, trong thời gian ngắn này lại tiếp tục đến Nhà tạm giữ, Trại tạm giam giao cáo trạng cho bị can. Nếu trong thời hạn này, xét thấy chưa thể hoàn thành cáo trạng thì trước khi hết hạn tạm giam 05 ngày, Kiểm sát viên sẽ phải báo cáo để Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát ra lệnh tạm giam mới và điều này vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Điều 42 Quy chế số 07 ngày 02 tháng 01 năm 2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự quy định: nếu còn thời hạn tạm giam nhưng không đủ để hoàn thành việc truy tố thì trước khi hết hạn tạm giam 05 ngày, Kiểm sát viên phải báo cáo để Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng ủy quyền xem xét, ra lệnh tạm giam mới. Thời hạn tạm giam cũ và mới không được quá thời hạn truy tố đối với từng tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 166 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Với quy định này, nếu như trường hợp bị can bị tạm giam trong thời gian dài, bị áp dụng lệnh tạm giam, quyết định gia hạn tạm giam lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ 3, thậm chí có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và sẽ bị áp dụng một lệnh tạm giam khác theo quyết định điều tra bổ sung thì về mặt câu chữ, tất cả các lệnh tạm giam này đều là lệnh tạm giam cũ, như vậy sẽ áp dụng lệnh tạm giam cũ nào? Về mặt logic thì lệnh tạm trong trường hợp này có thể được gọi là lệnh tạm giam liền kề trước đó. Do vậy, Quy chế này cần bỏ cụm từ “thời hạn tạm giam cũ” mà chỉ cần quy định “thời hạn tạm giam mới…” là đã rõ nghĩa và phù hợp với Thông tư liên tịch số 05 năm 2005.
Bên cạnh đó Thông tư và Quy chế cần quy định theo hướng mở: Nếu thời hạn tạm giam còn nhưng không đủ để hoàn thành việc truy tố thì tùy từng trường hợp, Viện kiểm sát sử dụng lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra mà không cần ra lệnh tạm giam mới nhưng phải đảm bảo việc hoàn thành cáo trạng trong thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều 166 của BLTTHS. Nếu trong thời hạn này, xét thấy chưa thể hoàn thành cáo trạng thì trước khi hết hạn tạm giam 05 ngày, Kiểm sát viên phải báo cáo để Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát ra lệnh tạm giam mới như đã phân tích ở trên. Vấn đề này sẽ hạn chế việc ban hành nhiều thủ tục tố tụng, thủ tục giao nhận với bị can, nhà tạm giữ, trại tạm giam … Kiểm sát viên có thể tận dụng thời gian đó và hoàn thành cáo trạng sớm hơn mà vẫn đảm bảo việc tạm giam bị can là còn và đúng thời hạn, đảm bảo hoàn thành cáo trạng trước và trong thời hạn quy định.