Tuy nhiên, do ranh giới giữa khởi tố và không khởi tố vụ án đối với nhiều hành vi trong thực tiễn là rất khó xác định. Vì vậy, nhằm hạn chế việc khởi tố vụ án hình sự thiếu chính xác, không đúng căn cứ pháp luật, tạo thuận lợi chủ thể có thẩm quyền áp dụng và thống nhất, Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 kế thừa bảy căn cứ của BLTTHS năm 2003 và bổ sung thêm một căn cứ không khởi tố vụ án hình sự như sau:
1. Không có sự việc phạm tội
Không có sự việc phạm tội là không có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật hình sự nào xảy ra trên thực tế. Ví dụ: bà Nguyễn Thị A tố giác ông Nguyễn Văn B có hành vi dùng tay, chân gây thương tích cho bà, tuy nhiên qua xác minh xác định thương tích của bà A do bà tự té ngã chứ ông B không hề có bất kỳ hành vi nào gây thương tích cho bà A. Do đó, căn cứ không có sự việc phạm tội được áp dụng khi có sự nhầm lẫn, giả tạo hay vu khống của của người tố giác.
Bên cạnh đó, có thể là sự sai sót của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền khi tiếp nhận và phân loại tố giác, tin báo. Ví dụ: Cơ quan điều tra huyện H tiếp nhận tố giác của ông Nguyễn Văn D cho rằng ông Nguyễn Văn C có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng qua xác minh không có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà đó chỉ là quan hệ pháp luật dân sự.
2. Hành vi không cấu thành tội phạm
Khác với trường hợp không có sự kiện phạm tội, trường hợp này có người thực hiện hành vi phạm tội, nhưng hành vi của họ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hành vi không cấu thành tội phạm có thể là:
Hành vi thiếu một trong các yếu tố cấu thành tội phạm. Pháp luật hình sự Việt Nam quy định có bốn yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm mặt khách quan, mặt chủ quan, mặt khách thể và mặt chủ thể. Do đó, nếu thiếu một trong bốn yếu tố trên thì hành vi phạm tội sẽ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ví dụ: Nguyễn Văn Tèo 19 tuổi trộm cắp chiếc xe đạp nhưng định giá xe đạp chỉ 1.000.000 đồng nên không đủ định lượng quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, do đó hành vi trộm cắp của Tèo không đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Bên cạnh đó, hành vi không cấu thành tội phạm còn bao gồm một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự như: phòng về chính đáng; sự kiện bất ngờ; tình thế cấp thiết; tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; chuẩn bị phạm tội ít nghiêm trọng; tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Các trường hợp trên, suy cho đến cùng thì nó cũng thuộc trường hợp thiếu yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng vì nó là những trường hợp đặc biệt nên BLHS quy định thành các chế định riêng cho tiện việc nghiên cứu áp dụng
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Suy cho cùng, căn cứ này là một phần của căn cứ hành vi không cấu thành tội phạm. Bởi lẻ, mặt chủ thể của pháp luật hình sự gồm hai nội dung là tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, do đó khi giải quyết tin báo nếu xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì vẫn áp dụng được căn cứ hành vi không cấu thành tội phạm để ban hành Quyết định không khởi tố vụ án do không thỏa mãn yếu tố chủ thể. Tuy nhiên, BLTTHS quy định thêm căn cứ này có thể nhằm nhấn mạnh tuổi chịu trách nhiệm hình sự khi xem xét quyết định không khởi tố vụ án.
Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm… về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi)…. Và người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Do đó, nếu người thực hiện hành vi phạm dưới 14 tuổi hoặc từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 mà không thuộc tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ở các điều luật được liệt kê tại Khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 thì được xem là chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Khi có căn cứ này Cơ quan có thẩm quyền phải ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
4. Người mà hành vi của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật.
Nguyên tắc của BLTTHS là “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” (Điều 14 BLTTHS 2015). Do đó, khi hành vi phạm tội đã được kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật như: những bản án của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm (Điều 343 BLTTHS 2015); những bản án và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm (Điều 355 BLTTHS 2015); những quyết định của Tòa án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (Điều 395, 403 BLTTHS 2015) thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật cũng là một căn cứ không khởi tố vụ án hình sự. Bởi lẻ, Quyết định đình chỉ vụ án là quyết định tố tụng do Viện kiểm sát quyết định trong giai đoạn truy tố và do Tòa án ban hành trong giai đoạn xét xử làm chấm dứt hoạt động tố tụng giải quyết vụ án. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền ban hành. Mặt khác, căn cứ đình chỉ vụ án cũng là căn cứ không khởi tố vụ án hình sự (Điều 248, 282 BLTTHS 2015). Do đó, khi phát hiện những tố giác, tin báo đã được đình chỉ vụ án thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo phải ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Như vậy, nếu trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền xác định được những tố giác, tin báo đó đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật thì ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự ( Khoản 1 Điều 27 BLHS 2015). Tuy nhiên, việc hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự này không phải do người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
- 05 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng.
- 10năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
- 15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
- 20 năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, BLTTHS cũng quy định, nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.
Ngoài ra, Theo quy định tại Điều 28 BLTTHS năm 2015 thì, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; và tội tham ô và tội nhận hối lộ quy định tại Khoản 3, 4 của các tội danh này.
Như vậy, khi xác định được đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải xem đây là căn cứ không khởi tố vụ án hình sự.
6. Tội phạm đã được đại xá.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn thế nào đại xá, tuy nhiên qua thực tiễn áp dụng cho thấy đại xá là một biện pháp khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, do Quốc hội quyết định nhằm tha hoàn toàn đối với một số loại tội phạm và một số người phạm tội nhất định. Do đó, khi một người đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng trước khi bị khởi tố, tội phạm đó đã được đại xá thì xem là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự.
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Mục đích của việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội là nhằm giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm. Cho nên, chỉ có thể đạt được mục đích trên nếu áp dụng đối với người còn sống. Do vậy, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà xác định được người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
8. Người yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 155 BLTTHS rút yêu cầu
Đây là căn cứ không khởi tố mới của BLTTHS năm 2015, việc bổ sung căn cứ này rất cần thiết. Bởi vì, theo quy định BLTTHS năm 2003 khi người yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút đơn thì Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tin báo sẽ dựa vào căn cứ hành vi không cấu thành tội phạm để ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Song, căn cứ này là chưa chính xác bởi lẽ hành vi của người phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng do bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố hoặc rút yêu cầu khởi tố, chứ không phải hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy, khi giải quyết các tố giác, tin báo về các tội phạm khởi tố theo yêu cầu bị hại mà bị hại hoặc người đại diện không có đơn yêu cầu hoặc rút đơn yêu cầu thì Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem đây là căn cứ để ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Đây là tám căn cứ không khởi tố vụ án hình mà BLTTHS năm 2015 quy định. Do đó, khi có một trong những căn cứ trên thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự.