Tại Điều 142 Bộ luật Hình sự quy định về Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Đối với các điều khoản được quy định trong điều luật thì rất cụ thể, rõ ràng và áp dụng một cách dễ dàng trong thực tiễn. Tuy nhiên, thực tiễn công tác lại phát sinh một vấn đề mà cách áp dụng mỗi nơi mỗi khác, chưa có sự thống nhất, cần thiết phải có sự hướng dẫn thống nhất của liên ngành tư pháp Trung ương.
Tình huống cụ thể như sau: A là người đã thành niên có quan hệ tình cảm với em X. Trong khoảng thời gian quen nhau thì A và X đã nhiều lần thực hiện hành vi giao cấu với nhau. Trong đó có 02 lần A thực hiện hành vi giao cấu với X khi X chưa đủ 13 tuổi. Đối với các lần còn lại A thực hiện hành vi giao cấu với X khi X đã trên 13 tuổi. Tất cả các lần giao cấu đều là đồng thuận. Sự việc sau đó bị phát hiện và A bị bắt, khởi tố, truy tố về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự với tình tiết phạm tội 02 lần trở lên.
Đối với việc khởi tố, truy tố A về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi với tình tiết phạm tội nhiều lần thì không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra là đối với những lần A thực hiện hành vi quan hệ với X khi X trên 13 tuổi thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi hay không? Vấn đề này hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội đó là Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung tăng nặng là “phạm tội 02 lần trở lên”. Những người theo quan điểm này cho rằng, mặc dù A thực hiện hành vi quan hệ tình dục với X nhiều lần, trong đó có những lần dưới 13 và trên 13 tuổi. Tuy nhiên đó không phải là căn cứ để định tội đối với X. Trong trường hợp này, thông thường sẽ áp dụng phương pháp “thu hút vào hình phạt chính” để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với X về một tội, đó là tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Những người theo quan điểm này còn cho rằng áp dụng như trên cũng là dựa trên nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự khi một người phạm nhiều tội nhưng các tội sau có hành vi tương tự và hậu quả của hành vi đó không thay đổi.
Phản bác lại quan điểm trên, có quan điểm cho rằng hành vi của A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội. Đó là Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi mới thỏa đáng. Nhóm theo quan điểm này cho rằng nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với A về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là bỏ lọt hành vi phạm tội. Bởi lẽ những lần A thực hiện hành vi giao cấu với X khi X đã trên 13 tuổi đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A với 02 tội danh như trên là phù hợp. Một lý lẽ khác nữa là, nếu trong trường hợp xác định được những lần A thực hiện hành vi giao cấu với X khi X trên 13 tuổi và dẫn đến việc X có thai thì chúng ta không thể lấy tình tiết đó để làm tình tiết định khung “làm nạn nhân có thai” trong tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi được. Hậu quả này là do hành vi giao cấu của A đối với X khi X đã trên 13 tuổi. Do đó cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về hai tội mới phù hợp.
Thống nhất với quan điểm thứ hai, người viết cho rằng hành vi của A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội mới đúng với tinh thần của luật. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tiễn tại nhiều địa phương vẫn còn cách xử lý khác nhau, còn mang tính tùy nghi, không thống nhất. Người viết rất mong nhận được những ý kiến trao đổi của đồng chí, đồng nghiệp./.