Theo tham khảo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011, ngày 30/11/2011 hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS 1999 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “Tài sản do người khác phạm tội mà có “là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua)”.
Với cách dùng từ và định nghĩa như quy định trên thì vẫn còn chưa đầy đủ. Vì hành vi phạm tội chỉ xảy ra đối với pháp luật hình sự nếu hành vi của đối tượng chiếm đoạt tài sản không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có xử lý đối với người chứa chấp, tiêu thụ hay không là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi và hiện nay vẫn còn có một số quan điểm chưa thống nhất có thể nêu lên một số trường hợp có tính chất điển hình như sau:
- Trường hợp 1: A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với giá trị tài sản là 1.800.000 đồng, B không hứa hẹn trước và biết rõ tài sản do A trộm cắp nhưng vì lợi nhuận đã mua tài sản trộm cắp này của A. Trường hợp này vì A không đủ định lượng về trị giá tài sản để cấu thành tội Trộm cắp tài sản nên A không bị xử lý hình sự và chỉ bị xử lý hành chính, trong trường hợp này B có phạm vào “Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” không?
Hiện có 02 quan điểm khác nhau về vấn đề này:
+ Quan điểm 01: B phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) lý do điều luật này đã quy định yếu tố định lượng về trị giá tài sản chiếm đoạt xác định tình tiết định khung tăng nặng chứ không quy định định lượng tối thiểu của trị giá tài sản là dấu hiệu định tội tại Khoản 1 Điều 323 BLHS và người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản buộc phải biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ tài sản đó có trị giá thực tế như thế nào. Trong trường hợp này B biết rõ tài sản này do A phạm tội mà có, do vậy việc B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ.
+ Quan điểm 2: B không phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Mặc dù, B có ý thức chủ quan biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là do A trộm cắp. Tuy nhiên, hành vi của A là hành vi vi phạm pháp luật hành chính, không phải là hành vi phạm tội, do đó B không phạm tội.
Theo quan điểm cá nhân, đối với “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” phải có điều kiện, tiền đề là có một hành vi phạm tội đã được thực hiện để có tài sản này, tức là nó có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của người khác và người tiêu thụ tài sản đó mới phạm tội tiêu thụ. Mặt khác, đối tượng của tội phạm này là tài sản có được từ bất cứ tội nào chứ không chỉ riêng đối với các tội xâm phạm sở hữu và định lượng trị giá tài sản trong mỗi tội là khác nhau, trong đó có cả tội không quy định định lượng (như Tội cướp giật tài sản…). Do đó, điều luật không quy định định lượng trong cấu thành cơ bản không có nghĩa là chỉ cần có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, dù trị giá tài sản là bao nhiêu cũng cấu thành tội phạm này mà cần căn cứ vào hành vi của người có được tài sản đủ yếu tố cấu thành tội phạm đó hay không? Tức là, để xử lý hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chỉ cần chứng minh người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản biết rõ là tài sản này do phạm tội mà có, trị giá tài sản chiếm đoạt thỏa mãn trị giá định lượng quy định ở các tội phạm tương ứng thì có thể xử lý được đối với người thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản về “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS không cần quan tâm đến người chiếm đoạt tài sản trước là ai, tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự, có tiền án, tiền sự như thế nào. Do đó, Trường hợp này do hành vi của A không đủ yếu tố cấu thành tội Trộm cắp tài sản, nên hành vi của B cũng không cấu thành tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Mặc dù, B có ý thức chủ quan biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là do A trộm cắp mà có. Tuy nhiên, hành vi của A là hành vi vi phạm pháp luật hành chính, không phải là hành vi phạm tội và mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp nên có thể chỉ xử lý hành chính đối với hành vi của B theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội.
- Trường hợp 2: A (không xác định được họ tên, địa chỉ) thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với giá trị tài sản là 5.000.000 đồng, B không hứa hẹn trước và biết rõ tài sản do A trộm cắp nhưng vì lợi nhuận đã mua tài sản trộm cắp này của A. Tuy nhiên, sau đó không biết A ở đâu, không làm việc được. Chỉ có lời khai của bị hại và camera chứng minh có sự việc trộm cắp tài sản xảy ra và lời khai của B thừa nhận có mua lại tài sản trộm cắp của A.
Trong vụ án này, chưa xác định được đối tượng A (là người trộm cắp tài sản) do đó chưa biết có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng này về trộm cắp tài sản hay không (do độ tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự của họ chưa xác định được). Do đó mặc dù có đủ căn cứ chứng minh B biết rõ tài sản này là do người khác phạm tội mà có thì có xử lý B về “Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” hay không? Vấn đề này hiện này có hai quan điểm chưa thống nhất:
+ Quan điểm 1: cho rằng để xử lý được B về “Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” phải xác định được đối tượng trộm cắp tài sản, biết được các yếu tố cấu thành tội phạm làm phát sinh tài sản đó như người thực hiện hành vi phạm tội là ai, tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự… nếu không biết đầy đủ thông tin này thì không đủ cơ sở để xác định người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản.
+ Quan điểm 2: cho rằng chỉ cần đủ căn cứ chứng minh ý thức chủ quan của B nhận thức rõ, biết rõ tài sản mình tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có, không cần quan tâm đối tượng A phạm tội gì, tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự như thế nào cũng đủ căn cứ để xử lý B về “Tội tiêu thụ tài sản cho người khác phạm tội mà có”.
Với lập luận tương tự như trên, ý kiến cá nhân trong vụ án này thống nhất với quan điểm thứ 2, tức là tài sản trộm cắp có giá trị 5.000.000 đồng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, ý thức của B biết rõ các tài sản trên do trộm cắp mà có mà vẫn cố ý tiêu thụ thì phạm tội “Tội tiêu thụ tài sản cho người khác phạm tội mà có” theo quy định tại Điều 323 BLHS, không phụ thuộc vào việc A có bị xử lý hình sự hay chưa.
- Trường hợp 3: A (chưa đủ 16 tuổi) đã trộm cắp tài sản có giá trị định giá là 10.000.000 đồng và bán cho B, B biết rõ tài sản do A trộm cắp có được nhưng B vẫn mua (việc mua bán không có hứa hẹn trước). Hành vi của A không bị xử lý về tội trộm cắp tài sản do A chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội này. B có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Vấn đề này trước đây còn nhiều quan điểm khác nhau và gây tranh cãi. Tuy nhiên, ngày 03/4/2019 Tòa án nhân dân tối cao có ban hành Công văn số 64/TANDTC-PC giải đáp một số thắc mắc có liên quan về trường hợp tương tự như trên. Với cách lập luận trong Công văn trên thì B phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 BLHS vì điều luật quy định hành vi không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Trong trường hợp trên mặc dù A chưa đến tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp, nhưng hành vi khách quan và giá trị tài sản A chiếm đoạt đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm; việc A không bị xử lý hình sự là do chính sách của Nhà nước ta đối với người phạm tội là người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó B biết rõ tài sản A có được là do trộm cắp, hơn nữa tài sản do B tiêu thụ là 10 triệu đồng đã thỏa mãn điều kiện về giá trị tài sản của tội trộm cắp tài sản và thực tế B đã tiêu thụ tài sản do A phạm tội nên hành vi của B đã cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là phù hợp. Tuy nhiên, lập luận trên Công văn 64/TANDTC-PC lại dựa vào các quy định của Thông tư 09/2011 hướng dẫn cho BLHS 1999 (đã hết hiệu lực thi hành). Qua đó, cho thấy vấn đề này hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn đối với trường hợp trên theo quy định của BLHS 2015. Do đó, thiết nghĩ cần sửa đổi nội dung điều luật hoặc ban hành văn bản mới để hướng dẫn điều luật này.
- Trường hợp 4: A (có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự), A có tiền án về tội trộm cắp tài sản, chưa được xóa án tích. Trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 10/01/2022 thực hiện 02 vụ trộm cắp tài sản. Cụ thể: Ngày 01/01/2022 trộm cắp tài sản có giá trị 3.000.000 đồng; ngày 10/01/2022 trộm cắp tài sản có giá trị 1.500.000 đồng. Sau khi trộm cắp tài sản A đem bán tài sản trộm cắp được lần thứ 2 (ngày 10/01/2022) cho B (B biết rõ tài sản do A trộm cắp mà có). Sau đó, A bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015. Riêng đối với hành của B có hai quan điểm áp dụng pháp luật để xử lý như sau:
+ Quan điểm 1: Hành vi của B đủ yếu tố cấu thành tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, vì cấu thành cơ bản của tội phạm này quy định “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” là đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm, vì cấu thành cơ bản của tội phạm này không quy định định lượng giá trị tài sản (chỉ quy định định lượng là tình tiết tăng nặng định khung điểm c khoản 2,3... Điều 323 BLHS năm 2015).
- Quan điểm 2: Hành vi của B không đủ yếu tố cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, vì mặc dù A bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản là do A có 01 lần trộm cắp tài sản có giá trị trên 2.000.000 đồng. Còn nếu chỉ tính riêng lần trộm cắp thứ 2 (ngày 10/01/2022) giá trị tài sản 1.500.000 đồng (lần bán tài sản cho B) thì giá trị tài sản chưa đủ 2.000.000 đồng; việc A bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản do A chưa xóa án tích mà còn vi phạm.
Vấn đề trên hiện tại thực tế vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất gây tranh cãi. Do đó, để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng xử lý đối với hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, theo quan điểm cá nhân cần có sự giải đáp hướng dẫn cụ thể như: Chỉ cần chứng minh xác định được tài sản đó là tài sản do người khác phạm tội mà có; không buộc họ phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa (đây là tình tiết về nhân thân: chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chưa xóa án tích... liên quan đến giá trị tài sản chiếm đoạt đủ hoặc không đủ định lượng); không quan tâm đến giá trị tài sản là bao nhiêu; hay giá trị tài sản đó phải được dẫn chiếu trong mối quan hệ đối với từng tội phạm cụ thể mà người phạm tội đã thực hiện để xử lý đối với người tiêu thụ (trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản,cướp tài sản,...). Đồng thời cần sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Điều 323 BLHS 2015 như sau:
- Thay từ “phạm tội” bằng cụm từ “vi phạm pháp luật”. Cụm từ “vi phạm pháp luật” có nghĩa bao gồm cả hành vi phạm tội và hành vi vi phạm pháp luật khác mà chưa được xem là tội phạm. Việc sửa đổi này, giúp cơ quan tố tụng dễ dàng xử lý người chứa chấp, tiêu thụ tài sản mà không cần quan tâm đến hành vi vi phạm pháp luật trước đó có bị xử lý hình sự hay không.
- Thay từ cụm từ “biết rõ” bằng cụm từ “biết hoặc có cơ sở để biết”. Việc dùng cụm từ “biết rõ” trong điều luật hiện nay chưa phù hợp. Vì “biết rõ” thể hiện việc “biết” ở mức độ cao, mà khi người phạm tội không thừa nhận thì việc chứng minh ý chí chủ quan của người phạm tội là “biết rõ” sẽ rất khó. Do đó, cần thay thế bằng cụm từ có mức độ biết dễ xác định hơn như “biết hoặc có cơ sở để biết” thì sẽ phù hợp hơn. Và những căn cứ để “biết hoặc có cơ sở để biết” cũng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để thống nhất áp dụng.
- Bổ sung mức trị giá tài sản ở khoản 1 Điều 323 BLHS. Vì từ khoản 2 đến khoản 4 điều luật đều có quy định trị giá tài sản nhưng ở khoản 1 thì không có. Việc quy định trị giá tài sản ở khoản 1 là cần thiết. Bởi vì, khi có mức trị giá tài sản thì việc xác định hành vi phạm tội sẽ dễ dàng hơn. Việc quy định trị giá tài sản này thể hiện được mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà không cần quan tâm đến quá trình giải quyết hành vi vi phạm pháp luật trước đó của người có được tài sản.
Trên đây là một số ý kiến cá nhân trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại Điều 323 BLHS. Mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp.