Hàng năm, bên cạnh những thanh niên tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ và tham gia nghĩa vụ quân sự, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm với Tổ quốc thì vẫn còn một số thanh niên cố tình tìm cách để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý hành vi trên cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất: Theo Điều 7 Nghị định 120/2013, ngày 09/10/2013 quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực quốc phòng cơ yếu, gồm:
“1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Trong khi đó tại Điều 38 Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 quy định về Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân như sau:
“1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật này.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này”.
Như vậy, với 01 hành vi vi phạm hành chính không chấp hành lệnh gọi công dân nhập ngũ, có hình thức xử phạt, mức xử phạt thì thuộc thẩm quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, nhưng việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ thì không thuộc các điểm a, b, c và đ - khoản 1 Điều 28 của Luật xử phạt vi phạm hành chính (tức là các biện pháp khắc phục hậu quả ngoài thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã) thì sẽ không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Điều đó, gây sự lúng túng và không thống nhất trong quá trình áp dụng dẫn đến thực tế nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi ban hành thường không ghi biện pháp khắc phục hậu quả. Như vậy là thiếu xót và chưa đầy đủ.
Theo quan điểm cá nhân về vấn đề này: tại Khoản 3 - Điều 52 Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012, quy định về nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau: “…Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện”. Cho nên dựa trên tinh thần của quy định trên, thiết nghĩ trong trường hợp trên việc Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là hoàn toàn phù hợp, đúng thẩm quyền, vì quá trình triển khai bàn giao các quyết định, lệnh gọi khám sức khỏe, lệnh gọi nhập ngũ… đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện, nên nếu có xảy ra vi phạm, thanh niên trốn tránh, không chấp hành các lệnh thì Ủy ban nhân dân cấp xã cũng là nơi đầu tiên lập biên bản vi phạm hành chính.
Thứ hai: Về kỹ thuật lập pháp, Điều 332 BLHS năm 2015 sử dụng thuật ngữ “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này” là chưa chuẩn xác, dẫn đến việc nhận thức áp dụng pháp luật không thống nhất, gây khó khăn, vướng mắc. Có quan điểm cho rằng nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng sau đó họ không vi phạm về hành vi này mà có hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ thì không được coi là “mà còn vi phạm”, vì điều luật không quy định là “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này”. Mặt khác, trong cấu thành cơ bản của tội phạm quy định ba hành vi khác nhau nên không thể coi cả ba hành vi này là một. Trong khi các điều luật khác trong Bộ luật hình sự 2015 như: Điều 163, 164, 167, 254, 388 đều sử dụng thuật ngữ “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này” thay vì thuật ngữ “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này” để quy định trong cấu thành cơ bản của các tội danh kiểu này.
Thứ ba: Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu khi ban hành căn cứ vào nội dung các văn bản luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng như: Luật quốc phòng năm 2005, Luật nghĩa vụ quân sự năm 1981, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1990, 1994 và 2005, Luật dân quân tự vệ năm 2009, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 2009. Tuy nhiên, hiện nay, các luật này đã được thay thế, đồng thời Nghị định 118/2021, ngày 23/12/2021 quy định chi tiết 1 số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính, đã có hiệu lực ngày 01/01/2022 thay thế các Nghị định trước đó về nội dung liên quan. Do đó, thiết nghĩ cần thiết phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ cho phù hợp với thực tiễn hiện nay./.