Theo quy định tại khoản 2 - Điều 278 BLTTHS 2015 Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1- Điều 277 của Bộ luật này. Tại khoản 1 - Điều 277 BLTTHS 2015 quy định Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Theo quy định trên, thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử có thể phụ thuộc vào thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tuy nhiên tại khoản 3 - Điều 278 còn quy định thêm trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra Lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa. Như vậy, việc tạm giam bị cáo để chuẩn bị cho công tác xét xử lúc này có thể sẽ có hai trường hợp xảy ra:
Một là, khi Tòa án thụ lý vụ án do Viện kiểm sát chuyển sang mà thời hạn tạm giam không còn thì Chánh án, Phó chánh án ra lệnh tạm giam. Lúc này thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính bằng ngày, tháng được ghi trong Lệnh tạm giam do Lãnh đạo Tòa án quyết định.
Hai là, thời hạn tạm giam sẽ được tính theo khoản 3 - Điều 278 BLTTHS năm 2015 là kết thúc phiên tòa. Trên thực tế, thì trường hợp thứ nhất xảy ra nhiều hơn, tuy nhiên vẫn có trường hợp thứ hai xảy ra, nếu vụ án đã bị hoãn lần thứ nhất mà quyết định tạm giam có thể không còn thì sự kiện kết thúc phiên tòa theo khoản 3 - Điều 278 BLTTHS sẽ được áp dụng như thế nào cho phù hợp. Theo quan điểm của người viết thì sẽ có hai ý kiến để xác định sự kiện kết thúc phiên tòa như sau:
+ Ý kiến thứ nhất, nếu vụ án đã được hoãn và trong quyết định hoãn phiên tòa có ấn định ngày sẽ mở lại phiên tòa, thì lúc này sự kiện kết thúc phiên tòa thì thời hạn tạm giam có thể tính đến ngày được ấn định để xét xử lại.
+ Ý kiến thứ hai, nếu trong quyết định hoãn không có ấn định ngày sẽ mở lại phiên tòa, lúc này sự kiện kết thúc phiên tòa thì thời hạn tạm giam có thể kết thúc từ khi có quyết định hoãn.
Với những quy định này, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để quá trình áp dụng được thống nhất, cũng như việc kiểm sát thời hạn này đúng theo quy định của pháp luật.