Quan hệ hôn nhân là một quan hệ đặc biệt về nhân thân, khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “…Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền”. Mỗi cá nhân ly hôn không thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay mình, các bên vợ chồng phải có mặt tại Tòa để giải quyết việc ly hôn. Mặc dù không được ủy quyền nhưng khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 cho phép đại diện: “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”. Quy định có ba trường hợp được đại diện: một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ là chưa đủ. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định về “Người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi” so với quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005, điều này phù hợp bởi thực tế có những người họ không hoàn toàn mất năng lực hành vi, họ chỉ khó khăn trong nhận thức như không sáng suốt do tuổi tác hoặc mắc các khuyết tật nào đó. Họ không thuộc trường hợp được đại diện, nếu họ ly hôn thì quyền lợi của họ sẽ không được bảo đảm. Điển hình trường hợp: một bên vợ, chồng bị câm điếc khi ly hôn thì họ sẽ tham gia tố tụng như thế nào? Nếu họ biết viết, hiểu được chữ viết thì Tòa án có thể làm việc với họ bằng hình thức hỏi, đáp rồi ký tên cam kết đã đọc và hiểu nội dung biên bản, nhưng nếu họ không biết chữ thì việc tham gia tố tụng Tòa án sẽ tiến hành như thế nào, hiện chưa có quy định hay hướng dẫn nào cho trường hợp này.
Theo quan điểm người viết Tòa có thể nhờ sự hỗ trợ của Hội người khuyết tật hoặc nhờ người thân truyền đạt ý kiến thông qua ngôn ngữ hình thể đặc thù của người câm, điếc. Nhưng việc này chỉ là giải pháp tạm thời vì vẫn tồn tại hạn chế là không đảm bảo bản thân họ trực tiếp tham gia tố tụng, phải thông qua trung gian, nhưng chủ thể trung gian đó có đảm bảo truyền đạt đúng, đủ ý của của họ hay không vẫn là chuyện cần phải xem xét.
Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát, người viết nhận thấy có một số bất cập quy định về đại diện trong án ly hôn mà hiện nay chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể trong luật nên thực tế áp dụng gặp khó khăn. Người viết mong muốn nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp để hỗ trợ nhau tốt hơn trong công tác chuyên môn.